Cao Bằng kỳ vọng đột phá du lịch từ danh hiệu “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng”
Thay mặt tỉnh Cao Bằng, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh báo cáo tóm tắt về quá trình xây dựng công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Ý nghĩa lịch sử chiến thắng biên giới 1950 gắn với bảo tồn phát huy giá trị di tích cũng như những thuận lợi trong việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các tỉnh Việt Bắc.
Non nước Cao Bằng từ ngàn xưa đã được biết là vùng đất địa linh nhân kiệt, cái nôi của người tiền sử, là vùng đất chứa đựng nhiều di sản địa chất, địa mạo cổ với trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo. Trong đó có nhiều di sản tầm cỡ quốc tế, địa hình phong phú đa dạng, đã tạo nên nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc… là tiềm năng để phát triển du lịch.
Nhằm tôn vinh các giá trị di sản địa chất, văn hóa lịch sử đồng thời giới thiệu quảng bá những nét đẹp danh lam thắng cảnh miền đất và con người nơi đây , cuối năm 2015 tỉnh Cao Bằng đã quyết định thành lập Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng, đến tháng 6/2017 Cao Bằng đã hoàn thiện hồ sơ và xây dựng 3 tuyến du lịch trong vùng cùng hệ thống vật chất theo chuẩn của UNESCO. Ngày 12 tháng 4 năm 2018 tại Paris thủ đô nước Pháp, Hội đồng chấp hành UNESCO lần thứ 204 đã thông qua nghị quyết công nhận Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu.
Như vậy, sau cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang; Cao Bằng là địa phương thứ 2 của Việt Nam và thứ 8 của Đông Nam Á được đón nhận danh hiệu cao quý này.
|
|
Về chiến thắng biên giới 1950, đây là chiến công lớn đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cũng là chiến thắng đầu tiên và duy nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo chiến dịch. Sau 29 ngày đêm chiến đấu ác liệt, chiến dịch biên giới giành thắng lợi vẻ vang. Ngày 3 tháng 10 năm 1950 Cao Bằng hoàn toàn giải phóng. Nhằm bảo tồn phát huy giá trị hiệu quả của di tích, tỉnh Cao Bằng đã lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận di tích lịch sử chiến thắng biên giới 1950 huyện Thạch An là di tích quốc gia đặc biệt.
Đối với Chương trình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc những năm qua đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, trở thành điểm đến hấp dẫn với nhân dân, du khách trong và ngoài nước, chương trình lần thứ 10 do tỉnh Cao Bằng đăng cai tổ chức với sự tham gia của 6 tỉnh vùng Việt Bắc sẽ mở ra các cơ hội thuận lợi cho các địa phương trong phát triển du lịch, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các tỉnh Việt Bắc.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng tỉnh Cao Bằng đón nhận sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế công nhận những giá trị độc đáo nổi bật về địa chất, di sản văn hóa, cảnh quan hùng vĩ. Thủ tướng nhấn mạnh, đến nay Việt Nam đã có 38 danh hiệu được UNESCO công nhận trong các lĩnh vực văn hóa vật thể, phi vật thể, mỗi lần Việt Nam được vinh danh, niềm tự hào vì những giá trị được ghi nhận ở tầm quốc tế, đóng góp cho kho tàng giá trị của nhân loại, các danh hiệu này đã đang và sẽ góp phần nâng cao hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.
Tự hào hơn khi Cao Bằng còn là cái nôi của cách mạng Việt Nam, cũng tại nơi đây - năm 1941 - sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn là nơi dừng chân đầu tiên để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Cao Bằng đã trở thành căn cứ địa để Đảng và Bác Hồ chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước đón thời cơ giành thắng lợi cách mạng tháng Tám 1945 mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc ta giành độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Những sự kiện lớn và ý nghĩa sau đó ngày càng khẳng định vai trò và vị trí chiến lược của Cao Bằng. Nhiều trang sử hào hùng của đất nước đã được ghi lại qua các địa danh của Cao Bằng như Pác Bó, rừng Trần Hưng Đạo, Nguyên Bình…
Thủ tướng khẳng định, việc xếp hạng di tích lịch sử chiến thắng biên giới 1950 huyện Thạch An là di tích quốc gia đặc biệt thể hiện sự tôn vinh, đánh giá cao của Đảng và Nhà nước về ý nghĩa lịch sử quan trọng của di tích đồng thời ghi nhận những đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng.
Tuy nhiên, đây vừa là vinh dự, tự hào nhưng cũng là trách nhiệm hết sức to lớn. Cao Bằng có thêm một thương hiệu quốc gia, thắng cảnh, địa chất ở tầm quốc tế, nếu kết hợp với các yếu tố khác của địa phương cũng như các di sản khác của vùng thì Cao Bằng là nguồn lực quan trọng trong phát triển bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý, mô hình du lịch Cao Bằng phải là sự cộng hưởng tương tác chiến lược các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, ẩm thực để tạo ra ngành du lịch đa dạng, phong phú, giàu bản sắc. “Cao Bằng cần phát triển thương hiệu du lịch với cách làm sáng tạo, gắn với bảo tồn phát huy di sản, giúp cải thiện trực tiếp đời sống vật chất tinh thần của người dân, tạo động lực để bảo vệ môi trường sinh thái, các giá trị văn hóa lịch sử, tài nguyên mà cha ông để lại”, Thủ tướng nêu rõ đồng thời đề nghị các địa phương trong vùng Việt Bắc cần tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng, ý chí tự lực tự cường, năng động sáng tạo, tập trung khai thác mọi tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Cần đặc biệt lưu ý, di sản không thể tái tạo, thay thế do đó, cần có trách nhiệm, kết hợp hài hòa bảo tồn phát triển để phục vụ lợi ích cộng đồng
Việc tổ chức luân phiên Chương trình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc là cơ hội lớn để phát triển các loại hình du lịch, lan tỏa các giá trị của vùng Việt Bắc nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thủ tướng tin tưởng với truyền thống của chiến khu cách mạng, vùng Việt Bắc nói chung và tỉnh Cao Bằng nói riêng sẽ tận dụng tốt nhất thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi xây dựng khu vực Việt Bắc trở thành khu vực thịnh vượng về kinh tế, vững mạnh về chính trị, quốc phòng an ninh…
Thay mặt tỉnh Cao Bằng, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Triệu Đình Lê cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể TW, sự phối hợp của các địa phương với tỉnh Cao Bằng những năm qua. “Cao Bằng sẽ quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng để cụ thể hóa các mục tiêu nhiệm vụ, tập trung xây dựng hệ thống chính trị, kinh tế xã hội phát triển, quốc phòng an ninh củng cố vững chắc, tạo bước đột phá mới, trong đó chú trọng khai thác hiệu quả công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng, văn hóa trên địa bàn, phối hợp cùng các tỉnh Việt Bắc khai thác các tiềm năng thế mạnh, các giá trị văn hóa đặc sắc, truyền thống quê hương cách mạng, huy động tối đa nguồn lực, quyết tâm đưa Cao Bằng sớm trở thành tỉnh năng động, phát triển”.
Việt Hùng