Món ăn ngày tết
Khi nói đến tết là nghĩ đến “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ - Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Dù mỗi vùng miền có cách đón tết khác nhau, phong tục khác nhau, món ăn khác nhau nhưng tất cả đều không thể thiếu mâm cơm, mâm ngũ quả và các loại bánh mứt. Đối với người Việt, mâm cơm ngày tết có ý nghĩa rất đặc biệt – đó là mâm cơm đón tổ tiên ông bà về chung vui ba ngày tết với gia đình. Bên cạnh đó mâm cơm còn mang ý nghĩa xin lộc của thần linh, tổ tiên. Không đơn thuần là một bữa ăn mà mâm cơm ngày tết thể hiện tất cả những mong ước của chúng ta về một năm mới an lành, hạnh phúc, ấm no.
Trong lễ cúng giao thừa chắc chắn không thể thiếu mâm ngũ quả. Giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mâm ngũ quả mang ý nghĩa xin hiện thực ước mơ khiêm tốn của các gia đình trong thời khắc chuyển giao. Mâm ngũ quả mỗi vùng miền mỗi khác, nó phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán.
Nói đến tết là nói đến mứt. Mứt tượng trưng cho những thăng trầm trong cuộc sống với vui buồn, chua cay, nhưng cũng có lúc thật ngọt ngào... Tất cả tạo nên gia vị cho cuộc sống thêm phong phú.
“Sống” lại chợ phiên xưa
Nếu ẩm thực cung cấp năng lượng cho mọi người vui chơi trong ngày tết thì chợ phiên lại là nơi mọi người thỏa thích đón xuân, nhất là những chợ phiên chỉ được sinh ra và phục vụ trong những ngày tết. Thế nhưng theo dòng thời gian, những phiên chợ này dần mai một, một trong số đó là chợ Gia Lạc (Huế). Chợ Gia Lạc chỉ mở trong 3 ngày tết, là nơi “Hoàng thân quốc thích” có thể hòa cùng dân chúng vui chơi, nên cái tên Gia Lạc nghĩa là “thêm vui” thể hiện ước muốn đó. Tết đến tất cả già trẻ gái trai đến chợ Gia Lạc để vui xuân vì chợ Gia Lạc khác với chợ thường ở hai điểm: người dạo chơi trong chợ đều ăn mặc tươm tất, dáng điệu thướt tha khác với không khí tất bật của các chợ thường; hàng bày bán trong chợ có cả món mặn và món chay, bánh trái và đặc biệt là cau Nam Phổ và trầu chợ Dinh – hai trong số những “đặc sản” ngon nhất của đất kinh kỳ.
Những chợ phiên ngày nay còn lại phần lớn là của các dân tộc thiểu số, còn các chợ phiên Tết của người kinh cũng đã thay đổi theo xu thế phát triển. Chính vì vậy, việc tái hiện lại phiên chợ tết xưa theo đúng nét truyền thống là điều vốn quý không chỉ giúp cho mọi người hoài cổ mà còn là thông điệp muốn gửi đến mọi người về những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông vẫn mãi trường tồn.
Toàn Nguyễn