(VTR) - Đàn tính - hát then là một loại hình ca nhạc dân gian của đồng bào các dân tộc vùng cao xứ Việt Bắc, đặc biệt là dân tộc Tày... Đàn tính có nhiều loại, từ 12 dây như trong cổ tích, 3 dây cho đến 2 dây... và mỗi loại lại diễn tả một thứ tâm tư tình cảm khác nhau. Tiếng đàn tính mênh mang dìu dặt giữa đại ngàn xanh thẳm của núi rừng Việt Bắc. Càng nghe lâu, càng khiến ta say. Tiếng đàn tính vang vọng từ bao năm qua, lúc nắng lúc mưa, biểu đạt nỗi niềm nhân tình thế thái. Tiếng hát then khiến ta lãng đãng, lúc day dứt bâng khuâng, lúc trầm lắng ưu tư, khi rộn ràng tha thiết... Tiếng đàn cứ tỏa đi, lan xa, ngân vang mãi và ngấm sâu lắng đọng giữa đất trời núi rừng trùng điệp mây mờ bao phủ quanh năm của vùng sơn cước. Ai đã từng hát then thì buộc phải biết chơi đàn tính và ngược lại!
Cách làm một cây đàn tính cũng thật giản đơn, dân dã: chỉ bằng quả bầu già phơi khô cùng một đoạn gỗ và dây... Nhưng cũng giống như bất kỳ một loại hình nghệ thuật nào, các nghệ nhân “sành điệu” sản xuất đàn lại rất khó tính: phải đo quả bầu và cần đàn bằng... nắm đấm bàn tay, cứ hai nắm tay quả bầu (bầu đàn) thì cần bảy nắm tay cho cần đàn, và chất lượng âm thanh đàn tính lại hoàn toàn phụ thuộc vào chất liệu của cần đàn.

Đàn tính - hát then là biểu tượng thể hiện thẩm mỹ của nghệ thuật dân gian Việt Nam, cụ thể là của người Tày. Nó không chỉ là một thể loại nghệ thuật trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần mà còn chiếm một vị trí quan trọng trong tín ngưỡng và đời sống tâm linh của họ... Ví như mỗi khi gia đình nào có “công to việc lớn” quan trọng thì họ đều mời thầy Then đến làm lễ. Theo họ thì “người ốm mà nghe tiếng hát then cũng vui lên, tinh thần phấn chấn...” và vì thế mà mau khỏi bệnh. Đàn tính - hát then quy tụ, gắn kết mọi thành phần trong cộng đồng, khiến họ xích lại gần nhau hơn. Đàn tính - hát then không chỉ mang giá trị dân gian thuần khiết của người Tày, mà còn là kho tàng về di sản văn hóa của người Việt nói chung về các quy tắc diễn xướng, lễ hội, huyền thoại, điển tích, truyền thuyết, về bản làng tiên tổ...
Kết quả của một số nghiên cứu, khảo sát thực tế của các chuyên gia thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam cho thấy, hiện nay đa phần chỉ còn những người cao tuổi thực hành các loại hình nghệ thuật dân gian thông qua một số câu lạc bộ tại các địa phương, còn giới trẻ thường chỉ tới đó vào những dịp lễ hội và khi thực hành thì đa phần lại cố gắng hiện đại hóa cho hợp xu hướng thời đại, và chính vì thế đã làm cho nhạc dân gian bị biến tướng.
Với tốc độ toàn cầu hóa hiện nay, khi mà cha mẹ trẻ bật đĩa nhạc cho con nghe thay bằng hát ru con... thì tất cả mọi loại hình nghệ thuật dân gian đều đang đứng trước nguy cơ bị mai một dần. Thế nên càng thấy rõ hơn sự cần thiết, cũng như ý nghĩa của những hoạt động duy trì các loại nghệ thuật dân gian, khuyến khích cổ vũ các nghiên cứu học thuật và định hướng giáo dục để bảo vệ và lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống, gìn giữ những tinh hoa cổ truyền của dân tộc.
Sau nhã nhạc cung đình Huế, hát xoan, đờn ca tài tử, ca trù, quan họ Bắc Ninh..., có thể hát then - đàn tính một ngày gần đây sẽ được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể! Có thể lắm chứ, tại sao không?

Tôi mong một ngày nào đó được thả mình với hoa xuân và sương phủ, được đắm mình trong các phong tục của các dân tộc bản địa vùng núi cao Việt Bắc, với những bản nhạc đàn tính và khúc hát then cổ truyền mang đậm bản sắc riêng của họ. Và biết đâu, một ngày nào đó sẽ được xem các nghệ nhân biểu diễn đàn tính và hát then ở ngay chính tại Paris!
Bỗng nhớ đến bài thơ “Đêm Then” của nhà thơ Dương Thuấn, lại nôn nao nghĩ về những câu: “Đêm hát then đầu năm giải hạn/ Làm nẩy lên giàn búp trên cành…/ Lời Then như muôn hạt mưa xuân/ Rơi vào đất nhú lên thành lộc biếc/ Rơi vào tóc tình yêu thêm rạo rực/ Rơi vào mây hóa những chiếc cầu vồng/ Đêm đầu xuân nghe bài Then giải hạn/ Tiếng đàn vang khúc nhạc trong ngần…”
Hiệu Constant
Tạp chí Du lịch