Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi nguồn tiềm năng du lịch sinh thái hấp dẫn, độc đáo với những ngọn thác hùng vĩ, những hồ nước thơ mộng cùng các khu rừng nguyên sinh đa dạng. Ngoài ra, vùng đất này còn lưu giữ nhiều nét đặc thù về giá trị văn hóa dân gian, phong tục tập quán của cộng đồng 47 dân tộc anh em cùng chung sống; những di tích, những lễ hội hào hùng tái hiện dấu ấn lịch sử và phong trào cách mạng của biết bao thế hệ cha anh.
Danh lam thắng cảnh
Đắk Lắk là vùng đất được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh hấp dẫn với những thác nước hùng vĩ, kỳ bí, biểu tượng của vùng đất Tây Nguyên, thu hút nhiều khách du lịch và các nhà nghiên cứu khoa học đến khám phá, tìm hiểu. Đặc biệt, khu vực bản Đôn của tỉnh là một địa danh đã được đưa vào bản đồ và cẩm nang du lịch thế giới về truyền thống nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng.
Thác Đray Nur
Đray Nur được xem là thác nước hùng vĩ nhất Tây Nguyên, thuộc xã Đray Sáp, huyện Krông Ana, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 25km về phía Nam. Đây là nơi khởi nguồn tình yêu giữa chàng Krông Nô và nàng Krông Ana để tạo nên dòng Sêrêpốk huyền thoại. Nhìn từ xa, thác Đray Nur như một bức tường nước khổng lồ, với muôn ngàn sợi nước trắng xóa quấn quít, đan xen, lung linh, huyền ảo. Giữa đại ngàn kỳ vĩ, trùng điệp núi non, thác Đray Nur quyến rũ du khách bởi vẻ đẹp tươi tắn, trong lành và những huyền thoại, truyền thuyết về sự ra đời của thác. Thác Đray Nur được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích Thắng cảnh quốc gia ngày 26/1/2011.
Điểm du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Kõ Tam
Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Kõ Tam tọa lạc tại số 789 Phạm Văn Đồng, phường Tân Hòa và xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột. Đến đây, du khách được nghe giới thiệu về những nét văn hóa truyền thống dân tộc bản địa, tham quan vườn hoa, rau, quả, cà phê, cánh đồng lúa…, tìm hiểu quy trình sản xuất, chế biến và thưởng thức cà phê với hương vị thơm ngon. Ngoài ra, đến với khu du lịch, du khách còn thưởng thức ẩm thực địa phương, giao lưu văn hóa cồng chiêng, tham quan chèo thuyền thúng cùng nhiều trò chơi dân gian.
Hồ Lắk
Hồ Lắk là một hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất tỉnh Đắk Lắk và lớn thứ hai Việt Nam sau hồ Ba Bể, nằm giữa đại ngàn xanh thuộc thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, cách thành phố Buôn Ma Thuột 56km. Hồ rộng 600ha thông với con sông Krông Ana. Mặt hồ luôn xanh thẳm, in bóng rừng thông trên các ngọn đồi ven hồ. Xung quanh hồ là các cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với hệ động thực vật phong phú. Về mùa mưa, hàng trăm con suối, ngọn thác đổ nước về làm cho mặt hồ rộng thêm, sóng cồn lên như biển và dâng ngập hết cả các cánh đồng cỏ xung quanh. Hồ Lắk đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Thắng cảnh quốc gia vào ngày 11/5/1993.
Làng cà phê Trung Nguyên
Làng cà phê Trung Nguyên hiện hữu trong lòng thành phố cao nguyên Buôn Ma Thuột như một điểm đến hấp dẫn bởi không gian kiến trúc độc đáo mang đậm bản sắc Tây Nguyên. Đến đây, du khách sẽ được thưởng thức những ly cà phê thơm ngon, hấp dẫn nhất Việt Nam, được thế giới ưa chuộng. Bên cạnh đó, Làng cà phê Trung Nguyên còn là nơi trưng bày những hiện vật cổ có giá trị nhất, lâu đời nhất của văn hóa Tây Nguyên. Đây là những hiện vật quý, giúp những người yêu mảnh đất bazan trù phú hiểu về một miền cao nguyên hoang sơ thuở trước với những đêm đại ngàn âm vang tiếng cồng chiêng và lời kể sử thi huyền bí của các già làng trong men rượu cần lâng lâng nồng ấm.
Du lịch Buôn Đôn
Nằm cách Buôn Ma Thuột hơn 40km về phía Tây Bắc, Buôn Đôn là một vùng đất nổi tiếng về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng ở Đông Nam Á, nơi chung sống của cộng đồng các dân tộc: Ê Đê, M’nông, Jrai, Lào, Thái… Với những nét văn hóa nguyên sơ, Buôn Đôn đã và đang trở thành một thương hiệu nổi tiếng của Du lịch Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên. Đến với Buôn Đôn, du khách sẽ được cưỡi voi tham quan cuộc sống buôn làng, cùng những chú voi vượt sông Sêrêpốk; nghe thuyết trình về nghệ thuật săn bắt, thuần dưỡng voi rừng nổi tiếng từ lâu; đi thuyền độc mộc, giao lưu văn hóa cồng chiêng với người dân tộc bản địa và thưởng thức các đặc sản ẩm thực Tây Nguyên như rượu cần, cơm lam, gà nướng, canh chua cá lăng sông Sêrêpốk… Đặc biệt, ở Buôn Đôn hiện nay còn lưu giữ được ngôi nhà sàn cổ có kiến trúc độc đáo với niên đại trên 100 năm tuổi. Ngôi nhà được thiết kế theo kiến trúc nhà sàn của dân tộc Lào - Thái, làm hoàn toàn bằng gỗ và đặc biệt không sử dụng đinh, có thể tháo rời từng phần. Ngôi nhà còn lưu giữ được chiếc mâm đồng hơn 200 năm của vua săn bắt voi Khunjunob. Với những giá trị lịch sử đặc sắc, nhà sàn cổ được xem là một di sản văn hóa góp phần tạo nên sự đa dạng về bản sắc văn hóa dân tộc.
Di tích Lịch sử - Văn hóa
Đắk Lắk là một tỉnh có nhiều khu di tích lịch sử được công nhận cấp quốc gia. Những địa danh này chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa quan trọng của tỉnh qua nhiều thời kỳ.
Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk
Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk tọa lạc tại số 12 Lê Duẩn, thành phố Buôn Ma Thuột, có chiều dài 130m, rộng 65m, diện tích sử dụng 9.200m², được xây dựng năm 2008 và khánh thành ngày 22/11/2011. Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk là một trong những bảo tàng lớn, hiện đại của cả nước. Bảo tàng có khoảng 1.000 hiện vật và hình ảnh, được tổ chức thành 3 không gian trưng bày chính (đa dạng sinh học, văn hóa dân tộc và lịch sử). Đặc biệt, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk là một trong những bảo tàng đi tiên phong trong việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc thiểu số bản địa trong việc trưng bày. Bảo tàng được hoàn thành là một sự kiện có ý nghĩa trong đời sống văn hóa - xã hội của tỉnh, thể hiện sinh động chính sách dân tộc và sự quan tâm đến mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Đồn điền và miếu thờ CADA
Đồn điền CADA là Di tích Lịch sử cấp quốc gia thuộc xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, được hình thành trong quá trình khai thác thuộc địa lần thứ 2 của thực dân ở Đông Dương nói chung và Đắk Lắk nói riêng, với diện tích ban đầu 2.000ha. Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng lại di tích CADA nhằm tái hiện cuộc sống cơ cực của giai cấp công nhân và phong trào đấu tranh, xây dựng cơ sở cách mạng của giai cấp công nhân ở đồn điền, cũng như truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các dân tộc Đắk Lắk.
Miếu thờ CADA
Miếu thờ CADA được lập cách trụ sở chính của Đồn điền CADA 500m về hướng Đông Nam để thờ cúng thần hoàng làng của quê hương và những công nhân, chiến sĩ cách mạng đã hy sinh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Miếu thờ còn là nơi diễn ra một số cuộc họp Chi bộ Đảng đồn điền CADA trong những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ ác liệt, là nơi đặt hộp thư liên lạc, giao nhận nhiệm vụ, báo cáo của cơ sở cách mạng ở đồn điền CADA. Miếu thờ CADA được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia ngày 17/9/2012.
Nhà đày Buôn Ma Thuột
Tọa lạc tại số 17 Tán Thuật, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột, Nhà đày Buôn Ma Thuột là "địa chỉ đỏ" được nhiều thế hệ biết đến với lòng quả cảm, tinh thần hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước của những chiến sĩ cách mạng. Nhà đày Buôn Ma Thuột do chính quyền thực dân Pháp thiết lập trong thời kỳ 1930 - 1931 để giam giữ và đày biệt xứ những người yêu nước, những đảng viên cộng sản bị bắt và bị xử án nặng ở các tỉnh Trung kỳ. Và cũng chính tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên tại Đắk Lắk được thành lập, đã giác ngộ được những người con ưu tú cho Đảng, cho quân đội như đồng chí Y Blốc Êban, Y Bih Alêo, Y Som Êban, Y Bun Knong, Y Jonh (Minh Sơn)… Nhà đày Buôn Ma Thuột được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia ngày 10/7/1980.
Di tích kiến trúc tháp Yang Prong
Tháp Yang Prong là ngôi tháp cổ được vua Chăm Sinhavaman III xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 13, thờ thần Shiva. Tháp Yang Prong thuộc xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, nằm bên dòng sông Ea H’leo, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 100km về phía Tây Bắc. Tháp cao 9m, hình búp hoa, nền hình vuông, mỗi chiều 5m, được xây bằng gạch nung đỏ, không có mạch vữa, chỉ có một cửa ra vào duy nhất ở mặt phía Đông (phía mặt trời mọc), ba mặt còn lại là cửa giả. Cửa ra vào rộng 1,06m, trên có phiến đá làm lanh tô. Xung quanh tháp được lát bằng gạch và đá xanh. Hiện nay, tháp Yang Prong đã được tu bổ mới, nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa kiến trúc độc đáo của người Chăm. Di tích kiến trúc tháp Yang Prong được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ngày 3/8/1991.
Biệt điện Bảo Đại
Biệt điện Bảo Đại tọa lạc tại số 2 Y Ngông, ngay giữa trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột. Trải qua nhiều lần trùng tu nhưng Biệt điện Bảo Đại vẫn giữ được cốt cách và cái hồn riêng của mình. Với diện tích khá rộng (khoảng 7ha), khuôn viên biệt điện là nơi tập trung nhiều cây xanh, đa dạng về chủng loại, kích thước và là nơi duy nhất trong thành phố còn bảo tồn nhiều cây nguyên sinh, có tuổi thọ hơn trăm năm như cây long não, cà chít... tạo nên một không gian văn hóa mang tính chất lịch sử, của cộng đồng các dân tộc sinh sống tại Đắk Lắk.
Lễ hội
Cùng với những nét độc đáo trong văn hóa, phong tục, tập quán, Đắk Lắk còn là vùng đất của những lễ hội khá đặc trưng, đã được du khách trong và ngoài nước biết đến như: Lễ hội cồng chiêng, Lễ hội đua voi, Lễ hội cà phê, Lễ hội cúng bến nước… của đồng bào các dân tộc đang sinh sống trên mảnh đất này.
Lễ hội đua voi
Lễ hội đua voi là một trong những lễ hội văn hóa truyền thống của người Tây Nguyên được tổ chức 2 năm một lần vào tháng 3 dương lịch tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Số lượng voi tham gia trong lễ hội từ 15 - 20 con. Đàn voi thi đấu rất hăng hái trong sự reo hò, cổ vũ của khán giả. Sau cuộc thi tài, tất cả voi được nhận những bó mía, nải chuối do Ban Tổ chức và du khách ban thưởng. Riêng chú voi vô địch được Ban Tổ chức trao tặng vòng nguyệt quế và được thưởng nhiều thức ăn ngon.
Lễ hội đua voi diễn ra nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ và tài nghệ thuần dưỡng voi của đồng bào Tây Nguyên. Đến đây, du khách cũng được thưởng thức ẩm thực độc đáo, đậm đà bản sắc của các dân tộc bản địa và được cưỡi voi thăm buôn làng, lội sông Sêrêpốk sang thăm rừng Yok Đôn.
Lễ bỏ mả (Pơ thi)
Lễ bỏ mả là nét văn hóa tiêu biểu đặc trưng của người Tây Nguyên, thường diễn ra từ tháng 11 đến tháng 4 dương lịch. Dưới góc độ tôn giáo tín ngưỡng, Lễ bỏ mả là nghi thức tang ma, tưởng niệm những người thân đã khuất. Theo phong tục truyền thống, người Jrai, Ê Đê… chết được chôn ở một khu rừng xa có chòi nhỏ che mưa nắng, nhiều tượng nhà mồ làm bầu bạn và canh giữ. Họ quan niệm rằng linh hồn người chết sẽ biến thành ma, cứ lẩn khuất, lưu luyến dương gian. Hàng ngày, người thân phải tới phần mộ của người chết quét dọn, mang đồ ăn cho linh hồn, gọi là thời kỳ giữ mả. Cho đến khi người thân làm Lễ bỏ mả, linh hồn người chết mới siêu thoát và có cuộc sống mới ở thế giới bên kia.
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức 2 năm một lần tại thành phố Buôn Ma Thuột. Lễ hội thường được tổ chức vào đầu tháng 3, đây cũng chính là thời điểm hoa cà phê đang nở rộ. Đây là lễ hội lớn nhất ở Tây Nguyên nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và các dân tộc của những quốc gia trồng cà phê tiêu biểu trên thế giới như Brazil, Việt Nam, Indonesia, Ethiopia..., tôn vinh những người nông dân làm ra những hạt cà phê nhỏ bé nhưng đóng góp giá trị rất lớn cho cuộc sống.
Tại 5 tỉnh Tây Nguyên, cây cà phê là loại cây công nghiệp chiếm vị trí độc tôn trong cơ cấu cây trồng. Đây là lễ hội có ý nghĩa đối với đồng bào các dân tộc anh em ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham dự.
Lễ cúng bến nước
Lễ cúng bến nước của đồng bào dân tộc Ê Đê ở Đắk Lắk là một lễ hội truyền thống mang màu sắc tâm linh. Ý nghĩa của Lễ cúng bến nước là lời cầu mong của dân làng gửi đến thần nước, mong thần nước luôn ban sức khỏe cho dân làng, luôn để nguồn nước được chảy sạch, chảy trong. Lễ cúng bến nước bắt đầu bằng việc cúng ông bà tổ tiên để thông báo cho ông bà về sự có mặt đông đủ của con cháu trong buôn làng. Sau khi lễ cúng ông bà tổ tiên kết thúc, một hồi chiêng dài nữa ngân lên, thầy cúng bắt đầu làm lễ cúng Yàng (thần linh) cầu mưa. Kết thúc lễ cúng Yàng, những hồi chiêng dài tiếp tục ngân vang, những cô gái trong trang phục truyền thống, lưng đeo gùi, cùng mọi người theo bước chân thầy cúng về bến nước đầu buôn. Lễ cúng bến nước diễn ra trong không khí linh thiêng, trang trọng. Thầy cúng đọc lời khấn cầu mong thần Nước mang nước - nguồn sức sống quan trọng nhất đến cho buôn làng. Sau lễ cúng, những bầu nước mát ngọt được những người con của buôn làng gùi về trong niềm vui hân hoan.
Làng nghề truyền thống
Đắk Lắk là tỉnh có nhiều ngành nghề thủ công truyền thống như: nghề làm gốm, mộc, rèn, điêu khắc tượng nhà mồ, dệt thổ cẩm, mây tre đan, rượu cần… Đó không chỉ đơn thuần là những vật dụng phục vụ đời sống mà còn chứa đựng các giá trị văn hóa, thẩm mỹ, phong tục tập quán và tâm linh của cư dân bản địa.
Nghề làm rượu cần Tây Nguyên
Rượu cần hiện nay được xem là thức uống đặc sản của đồng bào Tây Nguyên, là một thức uống không thể thiếu trong các lễ hội cũng như dùng để tiếp đãi khách quý. Đồng bào các dân tộc ở Đắk Lắk làm rượu bằng cách dùng nếp cẩm hoặc nếp trắng nấu thành xôi, phơi bằng nong cho nguội rồi trộn men vào, ủ kín. Men rượu làm bằng củ riềng, rễ cam thảo và củ cây chít phơi khô, sau đó đem giã nhuyễn thành bột đem trộn với gạo. Rượu ngon là loại rượu có màu vàng đục như mật, khi rót ra, dòng chảy không bị đứt đoạn, sờ vào thấy hơi dính, có mùi thơm ngây ngất, cay nồng xen lẫn với vị ngọt rất đặc trưng.
Nghề dệt thổ cẩm
Tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng, dệt thổ cẩm được coi là một nghề truyền thống mang đậm bản sắc của đồng bào bản địa. Hàng trăm nghệ nhân đồng bào dân tộc Ê Đê, M’nông… đã sản xuất ra những mặt hàng thổ cẩm đa dạng, đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với hoa văn độc đáo, giàu tính nhân văn. Các sản phẩm chủ yếu bao gồm: áo, quần, váy, khố, khăn, túi xách, tấm đắp, tấm thảm… Mỗi sản phẩm đều chứa đựng biết bao tâm tư, tình cảm của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Ẩm thực
Đắk Lắk sở hữu một nền văn hóa ẩm thực phong phú, đa dạng là sản phẩm kết tinh của các dân tộc anh em cùng sinh sống ở đây. Đến đây, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn đậm chất núi rừng như cơm lam, gà nướng, cà đắng… và đặc biệt không thể thiếu ly cà phê thơm nức khi đón chào một ngày mới.
Cơm lam gà nướng
Khởi nguồn từ món ăn dành cho những chuyến đi rừng dài ngày của đồng bào, ngày nay cơm lam trở thành một món ăn đặc trưng, một sản phẩm du lịch độc đáo của đồng bào các dân tộc nơi đây. Những ống cơm lam khi chín được bỏ lớp vỏ lột ra lớp cơm màu xanh lam của ống nứa ngấm vào, cùng với lá thơm, cơm mới nóng hổi, hương thơm bốc lên hấp dẫn, ngất ngây đến lạ thường… Cơm lam được ăn kèm món gà thả vườn nướng lửa than rừng chính hiệu chấm muối ớt sả. Hương vị của món cơm lam và thịt gà hòa vào nhau làm cho ta có một cảm giác thật ưng ý. Cơm lam gà nướng (Đắk Lắk) được công nhận vào top 100 món ăn đặc sắc tiêu biểu của Việt Nam (2011 - 2016) do Hội kỷ lục gia Việt Nam công bố.
Canh thụt
Nhắc đến văn hóa ẩm thực của đồng bào M’nông, người ta thường nghĩ ngay đến những món ăn quen thuộc như cơm lam, thịt gà nướng, thịt hun khói, đọt mây… Nhưng có một món ăn còn ít người biết tới, đó là món canh thụt. Đây là món ăn dân dã nhưng vô cùng gần gũi và hấp dẫn. Nguyên liệu để nấu món canh thụt gồm: da bò khô, lá nhíp, đọt mây, cà đắng, cá suối hoặc thịt và các gia vị như: mắm, ớt, muối, bột ngọt, đường. Trước khi nấu, da bò khô được nướng cho mềm, đọt mây tước nhỏ và phân thành từng đoạn nhỏ. Lần lượt các nguyên liệu được sơ chế rồi cho vào ống nứa để đun. Trong lúc đun, người nấu thường xuyên quay tròn ống nứa cho đều lửa và dùng một chiếc đũa bằng nứa cho các thành phần của món canh nhuyễn và đều với nhau. Sau khi canh chín, món canh thụt sẽ đặc sánh lại rất dẻo, có rất nhiều hương vị: cay, đắng, bùi, béo, đặc biệt là rất thơm ngon.
Cà phê
Đắk Lắk được xem là “thủ phủ của cà phê”, nơi sản sinh ra nhiều thương hiệu cà phê nổi tiếng của Việt Nam. Hạt cà phê nơi đây không chỉ là một sản phẩm tiêu biểu của nền nông nghiệp đất đỏ bazan mà đã thực sự trở thành biểu tượng quyến rũ, độc đáo của vùng đất được xưng tụng là “nóc nhà Đông Dương”.
Với đầy đủ các yếu tố tự nhiên, xã hội khá thuận lợi, Du lịch Đắk Lắk đang ngày càng được nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn là một điểm đến an toàn và hấp dẫn trong hành trình khám phá Tây Nguyên.
T.T