Ba mặt của vịnh là những dải núi bao bọc và vươn dài ra biển. Phần đá tiếp giáp với mặt biển bị sóng bào mòn, tạo những hình thù lạ mắt. Ít có vịnh nào lại có sự đan xen đa dạng về địa hình như vịnh Xuân Đài - ghềnh nối tiếp vũng, vũng nối tiếp bãi, bãi nối tiếp núi uốn lượn trùng điệp. Chỉ riêng vũng đã có hơn chục cái to nhỏ, nông sâu khác nhau.
Bờ vịnh chạy qua nhiều vùng địa hình khác nhau với những tên gọi khá thú vị như: gành Đèn, mũi đá Ong, gành Đen, gành Đỏ, gành Bà, vũng Lắm, vũng Mắm, vũng Dông, vũng Sứ, vũng Chào, vũng Me, vũng La, bãi Ôm, bãi Từ Nham, mũi Động Tranh, mũi Gành Tướng, hòn Móm, mũi Tai Mã,... Nằm giữa vịnh có các hòn đảo nhỏ như: Hòn Yến nằm sát cửa vịnh Xuân Đài, cù lao Ông Xá như một pháo đài án ngữ trước vũng Lắm; đảo Nhất Tự Sơn có thế nằm giống như chữ Nhất trong tiếng Hán nên gọi là Nhất Tự Sơn; cồn Đám Cả nằm chính giữa vịnh, khi thuỷ triều lên bãi cát này hoàn toàn bị ngập nước, khi triều xuống Đám Cả có diện tích khoảng 3ha... dưới biển có nhiều loại san hô và rong biển, với những đặc sản nổi tiếng ở đây như ốc nhảy, ốc hương, tôm, cua, ghẹ....
Vùng phụ cận của vịnh Xuân Đài, phía cửa Nam vịnh Xuân Đài là thắng cảnh quốc gia gành Đá Đĩa nổi tiếng bởi hiện tượng địa chất hết sức độc đáo, kỳ lạ có một không hai ở Việt Nam; thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan với đặc sản nổi tiếng như sò huyết, cua huỳnh đế, hàu, rau câu..., hòn lao Mái Nhà với diện tích khoảng 1,2km2, bãi biển cát trắng, mịn, nhiều san hô… Phía Bắc là bãi biển Từ Nham – Vịnh Hòa với bãi cát trắng chạy dài trên 10km có nhiều thuận lợi để đầu tư những khu nghỉ dưỡng biển cao cấp.
Dọc theo vịnh Xuân Đài còn có làng Thạnh An với nghề ủ chượp nước mắm nổi tiếng miền Trung, đến nay người dân địa phương vẫn còn giữ nghề. Tại đây, du khách có thể tìm về thiên nhiên hoang sơ, làng xóm sống chan hòa, chen chúc nhưng vẫn giữ được nét đẹp thuần khiết của thiên nhiên.
Đặc biệt, không chỉ là một trong những thắng cảnh tiêu biểu của Phú Yên mà vịnh Xuân Đài còn mang lại lợi ích kinh tế lớn cho người dân khi đây là nơi rất thích hợp để nuôi trồng các sản vật biển như: tôm hùm, cá…
Ngoài ra, đến tham quan vịnh Xuân Đài du khách còn có thể ghé thăm những địa điểm du lịch thú vị, hấp dẫn nằm trên tuyến quốc lộ 1A từ Bắc vào Nam như: đầm Cù Mông, đầm Ô Loan,… gặp gỡ và trò chuyện cùng những người dân vùng biển nơi đây để hiểu hơn về cuộc sống vất vả, nhọc nhằn, quanh năm bám biển... và đừng quên thưởng thức những món ngon đậm vị biển như sò huyết đầm Ô Loan, cua, ghẹ… với chất lượng luôn được đánh giá cao, chắc chắn sẽ làm say lòng thực khách.
Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch khu du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài đến năm 2030. Theo quy hoạch, đến năm 2025, Vịnh Xuân Đài trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí của tỉnh, của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; là một điểm đến quan trọng trên tuyến du lịch quốc gia, hình thành mối liên kết bổ trợ với các điểm đến khác trong vùng như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang và khu vực Tây Nguyên. Đến năm 2030, Khu du lịch vịnh Xuân Đài cơ bản đáp ứng các tiêu chí và trở thành Khu du lịch quốc gia.
Mục tiêu đến năm 2025 đón khoảng 850.000 lượt khách, trong đó, khoảng 25.000 lượt khách quốc tế; phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 1,2 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 35.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt trên 400 tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 900 tỷ đồng.
|
Phương Lan