Muối Bạc Liêu
Muối Bạc Liêu từ xưa đã rất nổi tiếng, là sản phẩm gắn liền với những người đi khai phá vùng đất mới ven biển. Mùa làm muối ở đây thường bắt đầu khoảng tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, Bạc Liêu là vùng sản xuất muối lớn nhất nước với tổng diện tích 1.675ha, tổng sản lượng 75.000 tấn/năm. Muối Bạc Liêu có hương vị đậm đà, độc đáo, trong muối có hàm lượng ma-giê, can-xi, sun-fat... rất thấp. Đặc biệt, muối Bạc Liêu được chọn sử dụng trong sản xuất nước mắm, nước tương, được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước sử dụng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm. Hiện nay, ngoài thị trường trong nước, muối Bạc Liêu còn được xuất khẩu sang một số nước như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hạt muối Bạc Liêu còn được người dân cất giữ trong các keo thủy tinh, chôn trong đất nhiều năm có tác dụng chữa một số bệnh và chăm sóc sắc đẹp rất hiệu nghiệm. Ngoài muối hạt nguyên chất, Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu (Basalco) đã sản xuất một số loại muối thành phẩm như: muối sấy khô, muối ớt, muối tôm, muối tiêu, muối i-ốt, thời gian tới, Công ty đang nghiên cứu để sản xuất sản phẩm làm đẹp từ muối như: kem tẩy tế bào chết, sữa dưỡng thể, sữa rửa mặt, sữa tắm… Đồng thời, Công ty sẽ tổ chức cho du khách tham quan và trải nghiệm làm muối, du khách đến đây tự tay mỗi người sẽ làm cho mình một sản phẩm từ muối kết tinh theo mô hình cách điệu như: cây đờn kìm, con tôm, ngôi sao mơ ước, mười hai con giáp… Hình ảnh đầu tiên khi du khách về vùng này vào mùa nắng là những cánh đồng muối trắng trải dài ven biển. Đến đầu tháng 3 cả một vùng trắng xóa: muối dưới ruộng, muối chất đống trên bờ, hình ảnh diêm dân đang thu hoạch muối rất tất bật và nhộn nhịp, tạo nên khung cảnh ấn tượng cho du khách phương xa.
Tôm khô Bạc Liêu
Tôm khô Bạc Liêu là một trong những đặc sản Miền Tây, đã trở thành một loại đặc sản được ưa chuộng, một món quà biếu đầy ý nghĩa, nhất là trong các dịp lễ, tết. Để có được loại tôm khô mang hương vị thơm ngon đặc trưng, người nghệ nhân làm tôm phải chọn lựa những con tôm tươi, độ lớn vừa phải đồng đều nhau, rửa thật sạch và luộc khi còn sống trong nước thật sôi từ 5-6 phút, cho một ít muối vào luộc tiếp khoảng 4 phút nữa, sau đó đem ra phơi trực tiếp dưới ánh nắng cao từ 3–4 ngày hoặc sấy khô thủ công, trung bình từ 6 – 7kg tôm tươi mới làm ra được 1kg tôm khô. Tôm khô là nguyên liệu để chế biến thành nhiều món ăn ngon, phù hợp cho mọi lứa tuổi, một số món ăn kết hợp với tôm khô như: gỏi xoài, kho rim, nấu canh cải, bắp xào, bún riêu tôm… đặc biệt, tôm khô kết hợp với củ kiệu, bánh tét, thịt kho tàu là một món ăn truyền thống không thể thiếu trong những ngày Tết nguyên đán của người dân miền Tây Nam Bộ,
Đông trùng hạ thảo
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trúc Anh Bạc Liêu (Trúc Anh) đã hợp tác với các nhà khoa học trong và ngoài nước sản xuất thành công đông trùng hạ thảo trong môi trường nhân tạo tại Bạc Liêu, đây là loại biệt dược có khả năng hỗ trợ tăng cường sức khỏe cho con người, phòng tránh tai biến mạch máu não, điều hòa huyết áp… Với công nghệ nuôi trồng tiên tiến, chủ động nguồn giống có dược tính cao, nuôi trồng trong điều kiện môi trường nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng… được theo dõi và kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng ở các khâu. Ngoài ra, đông trùng hạ thảo Trúc Anh còn được chăm sóc sát sao và chỉ thu hoạch đúng vào thời điểm đạt dược tính tốt nhất. Mỗi sản phẩm đông trùng hạ thảo làm ra đều trải qua nhiều khâu kiểm tra nghiêm ngặt, đảm bảo có chất lượng vượt trội: hình dáng khỏe mạnh, thân to đều, đầu nở tròn. Không chỉ thế, nhờ được sự đầu tư áp dụng công nghệ sấy tiên tiến, nên đông trùng hạ thảo Trúc Anh giữ được hàm lượng dược chất cao. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy hàm lượng Cordycepin và Adenosin của sản phẩm cao tương đương với các sản phẩm đông trùng hạ thảo từ môi trường tự nhiên. Ngoài các sản phẩm truyền thống là đông trùng hạ thảo tươi và sấy khô thì tại Trúc Anh còn có thêm nhiều dòng sản phẩm như: trà sợi sấy, bột, trà túi lọc, viên nang, rượu… để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
Thanh nhãn Bạc Liêu – nhãn hiệu độc quyền
Nhãn Bạc Liêu với đặc trưng sinh trưởng trên bãi bồi ven biển, nên từ lâu đã có tiếng về chất lượng thơm ngon trên thị trường trong và ngoài nước. Qua thời gian, bằng kinh nghiệm và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, người dân đã lai tạo một giống nhãn mới với tên gọi là “thanh nhãn” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho loại trái cây này và hứa hẹn thanh nhãn sẽ trở thành một trong những sản phẩm đặc sản tiêu biểu của tỉnh Bạc Liêu nói chung và du lịch Bạc Liêu nói riêng. Với vách tế bào giữ nước của trái rất dày nên thanh nhãn được bảo quản rất lâu trong môi trường tự nhiên sau khi thu hoạch.
Hiện nay, tại các tỉnh, thành như: Cần Thơ, huyện Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh), Vĩnh Long, Hậu Giang đã nhập cây giống từ nhãn Bạc Liêu về trồng rất thích nghi và cho trái sai, thơm ngon, vì giống thanh nhãn này rất dễ trồng và thích hợp ở nhiều vùng thổ nhưỡng khác nhau trên toàn quốc.
Bánh in Bạc Liêu
Những năm gần đây, các loại bánh truyền thống ở Bạc Liêu ngày càng khẳng định chất lượng, được người tiêu dùng yêu thích. Nhiều cơ sở làm nghề này đã mạnh dạn đổi mới quy trình sản xuất, cải tiến công nghệ để sản xuất những chiếc bánh có mẫu mã, chất lượng không thua kém các sản phẩm có thương hiệu tiếng tăm khác, điển hình một số loại bánh như: bánh pía, bánh trung thu, bánh khéo, mè thửng, kẹo đậu phộng và đặc biệt là bánh in.
Bánh in khá quen thuộc với người dân Bạc Liêu nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Nguyên liệu làm bánh chủ yếu từ các loại bột năng, bột nếp, đậu xanh, khoai môn, đường trắng và vài nguyên liệu khác. Sau khi các nguyên liệu đã được hòa trộn đều với nhau thì sẽ được ép vào một khung gỗ hình tròn có sẵn hình. Bánh sẽ được đúc thành khuôn mà phần mặt đáy sẽ có các chữ như Phúc, Lộc, Thọ hoặc hình Long – Phụng khắc lên bánh nhằm thể hiện sự trường thọ, mang đến sự bình yên, may mắn trong những ngày Tết Trung Thu, Nguyên Tiêu, Tết Nguyên đán của dân tộc Việt Nam.
Cùng với mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng, các cơ sở sản xuất bánh ở Bạc Liêu còn tạo niềm tin cho người tiêu dùng bởi quy trình làm bánh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu có dịp đến Bạc Liêu, quý khách hãy một lần thưởng thức món bánh thơm ngon này tại các cơ sở Huỳnh Minh Thành, Hồng Minh, Thái Can, Gia Bảo… để thưởng thức và cảm nhận hương vị đậm đà của các loại bánh truyền thống.
Yến Bạc Liêu
Bạc Liêu được xem là nơi “Đất lành chim đậu”, với khí hậu ấm áp, nên rất thích hợp cho yến đến sinh sống và làm tổ. Vì vậy, những năm gần đây có rất nhiều hộ gia đình tại Bạc Liêu xây nhà nuôi yến, đặc biệt có nhiều doanh nghiệp đầu tư nuôi chim yến dưới hình thức như trang trại và chế biến tại chỗ với nhiều sản phẩm được thị trường từng bước chấp nhận. Nếu quan tâm các sản phẩm từ yến, hãy đến Công ty TNHH Yến Sào Quang Minh, Công ty TNHH MTV Hứa Gia Yến Bạc Liêu hoặc vào chợ Bạc Liêu để tham quan, mua sắm những phần quà, đặc sản được làm từ yến tặng cho người thân, bạn bè thật vô cùng giá trị và ý nghĩa.
Ngoài ra, Bạc Liêu còn có một số đặc sản khác như: Mắm chua Vĩnh Hưng, rượu long nhãn, gạo đỏ Hồng Dân...
Đặc sản Bạc Liêu mang nét đặc sắc riêng biệt, hầu như không giống với nơi nào. Đến Bạc Liêu, khám phá các món ăn đặc sản Bạc Liêu mua về làm quà là một phần không thể thiếu trong chuyến hành trình về miệt sông nước.
Thanh Hiền