Trong khuôn khổ Tuần du lịch “Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An”, sáng 10/6, Sở Du lịch Ninh Bình đã tổ chức Hội nghị quảng bá, xúc tiến Du lịch Ninh Bình 2018 nhằm giới thiệu thông tin toàn cảnh về Ninh Bình, các sản phẩm du lịch đặc thù, qua đó ghi nhận ý kiến đánh giá của các doanh nghiệp lữ hành về sự hạn chế, tồn tại của du lịch Ninh Bình, từng bước tháo gỡ thúc đẩy du lịch phát triển. Hội nghị quảng bá, xúc tiến Du lịch Ninh Bình 2018 Dự hội nghị có Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Đạo Dũng; Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải, Phó giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Hoàng Thanh Phong; Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình Dương Kim Thanh; đại diện các Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch; Trung tâm Xúc tiến Du lịch; Hiệp hội Du lịch một số địa phương và trên 200 doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước. Theo thống kê của Sở Du lịch Ninh Bình, năm 2017, Ninh Bình đón trên 7 triệu lượt khách (nội địa và quốc tế), tăng 9,5% so với 2016, doanh thu từ du lịch dịch vụ đạt 2.528 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh đón 5,3 triệu lượt khách, tăng 5% so với cùng kỳ 2017, doanh thu từ du lịch đạt 1.921 tỷ, tăng 18,2% so với cùng kỳ 2017. Mặc dù lượng du khách và doanh thu tăng, nhưng vấn đề của du lịch Ninh Bình là lượng khách lưu trú còn rất thấp. Hầu hết là khách trong ngày. Trong khi đó, cơ sở lưu trú của Ninh Bình không thiếu. Hiện toàn tỉnh có 470 cơ sở lưu trú du lịch với 9.687 phòng, trong đó có 11 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao. Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp lữ hành, rất ít tour 2 -3 ngày được khách hàng trong nước hưởng ứng, do điều kiện giao thông từ Hà Nội đến Ninh Bình rất thuận tiện, vì vậy du khách chỉ đi trong ngày. Để níu chân du khách, các doanh nghiệp cho rằng Ninh Bình cần nghiên cứu bổ sung các điểm vui chơi giải trí vào buổi tối, mở tuyến phố đi bộ, đầu tư trung tâm mua sắm các sản phẩm địa phương. Quan trọng hơn, Ninh Bình cần điều chỉnh giá vé tham quan thắng cảnh bởi sản phẩm của tỉnh phần lớn khai thác trên tài nguyên bền vững, do đó du lịch cũng cần phát triển bền vững. Các doanh nghiệp cũng lưu ý Sở Du lịch tình trạng quá tải cục bộ trong mùa cao điểm, có những thời điểm doanh nghiệp không thể mua được vé tham quan Tràng An hoặc Tam Cốc do lượng khách đổ về quá đông. Trong khi đó, nhiều điểm đến hấp dẫn không kém nhưng chưa được khai thác… Một số doanh nghiệp nêu ý kiến thẳng thắn về cung cách ứng xử chưa đúng mực của nhiều lái đò trên tuyến Tràng An, Tam Cốc như đòi khách tiền bồi dưỡng, nếu khách phàn nàn là lập tức tỏ thái độ khác khiến du khách không hài lòng. Đại diện doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, làm du lịch cần chú ý đến những chi tiết rất nhỏ nhưng đặc biệt quan trọng, ví dụ như trên thuyền nên trang bị áo mưa đề phòng trời mưa bất chợt; hay tại khu vực hang động cần trang bị ánh sáng tốt hơn để du khách nhận biết những điểm trần thấp, tránh bị va đập… Ông Hoàng Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cung cấp thông tin rõ hơn về công tác quy hoạch và định hướng phát triển du lịch, những dự án đang triển khai đầu tư, cũng như các dòng sản phẩm tỉnh đang khaithác và dự kiến phát triển, kế hoạch đàotạo nguồn nhân lực… “trong thời gian tới Sở Du lịch sẽ phối kết hợp với các đơn vị liên quan khắc phục nhanh những hạn chế đang gặp phải để nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch của Ninh Bình, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho các công ty lữ hành đưa khách về và nâng cao tỷ lệ khách lưu trú lại Ninh Bình”, ông Phong cho biết. |