Được tổ chức từ ngày 10 - 15/3 âm lịch hàng năm, Lễ hội rằm tháng ba Minh Hóa mang nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc và hấp dẫn, là cơ hội để các dân tộc anh em trong địa bàn huyện gặp gỡ giao lưu; mua bán trao đổi hàng hóa, thi tài các trò chơi dân gian; tạo điểm nhấn quảng bá du lịch địa phương. Lễ hội cũng là dịp để những đôi trai tài gái sắc đã thành đôi, đã nên duyên vợ chồng tìm đến để ôn lại kỉ niệm, hòa mình vào không khí đặc biệt mỗi năm chỉ có một lần.
Theo tích cũ lưu truyền lại, ngày xưa có ba anh em nhà nọ lên lèn ông Ngoi tìm mật ong. Họ đi lạc vào một hang động, trong đó có cơ man là tượng Bụt bằng đá. Ba anh em mỗi người vác một tượng về. Đến thác Bụt họ xuống suối tắm, nhưng khi vác tượng lên để trở về nhà thì không tài nào vác được nữa. Mãi sau họ mới vác được một tượng về đến Hói Chàm và đặt ở đó. Từ đó đến nay dòng thác mà ba anh em nhà kia tắm và để tượng Bụt lại được gọi là thác Bụt. Và mỗi năm, cứ đến Lễ hội rằm tháng ba mọi người lại đến đây cúng Bụt cầu tự, cầu tài, cầu lộc, cầu cho mưa thuận gió hòa... Nghi lễ tuy đơn giản nhưng diễn ra rất trang nghiêm. Du khách sẽ được tận hưởng bầu không khí linh thiêng nhưng cũng không kém phần náo nhiệt của lễ hội truyền thống này.
Lễ hội rằm tháng ba Minh Hóa được coi một trong những lễ hội truyền thống lâu đời nhất tại Quảng Bình, kết tinh những nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt của người dân vùng sơn cước. Bên cạnh lễ dâng hương ở thác Bụt và hội chợ rằm, trong lễ hội còn có các hoạt động đặc sắc thu hút sự chú ý của đông đảo người dân và du khách như hoạt động thể thao, các trò chơi mang đậm nét dân gian (bóng chuyền, bóng đá, bắn nỏ, đẩy gậy, cờ thẻ, kéo co, cà kheo, vật…); cùng với đó là các chương trình giao lưu nghệ thuật (điệu hò thuốc, điệu đúm…).
Minh Hòa là vùng đất sinh sống, giao thoa văn hóa của đồng bào các dân tộc Kinh, Chứt, Sách, Bru Vân Kiều… nên ẩm thực nơi đây có nét độc đáo, bí ẩn, lôi cuốn du khách. Ẩm thực Minh Hóa được biết đến với những món ngon nổi tiếng, thể hiện sự đa dạng trong cách phối hợp các nguyên liệu tự nhiên, có sẵn của thiên nhiên. Những món ngon như bồi, ốc khe, cua đá, cá mát, nhộng ong, trứng kiến rừng, mật ong rừng, rau tớn, măng rừng… để lại ấn tượng khó quên trong lòng du khách.
Trải qua thăng trầm thời gian, Lễ hội rằm tháng ba Minh Hóa ít nhiều đã có sự thay đổi nhưng những nét đẹp văn hóa truyền thống vẫn còn được người dân gìn giữ như một phần của cuộc sống. Người dân Minh Hóa dù có đi khắp phương trời cũng muốn được trở về với hội rằm tháng ba trên mảnh đất quê hương thân thuộc.
Nếu du lịch Quảng Bình vào dịp tháng ba âm lịch, du khách hãy đến với Minh Hóa để hòa mình vào không khí tưng bừng của lễ hội đêm trăng rằm tháng ba huyền ảo, tham gia phiên chợ tình đã kết duyên nhiều đôi nam thanh nữ tú của miền sơn cước. Khám phá nét văn hóa đặc sắc nơi đây, tìm hiểu ngôn ngữ tiếng Nguồn là “đặc sản”chỉ có ở Minh Hóa.
Lương Công Thành
(Tạp chí tháng 4/2023)