Phát biểu Khai mạc buổi Tọa đàm, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long nêu rõ, Đề án Phát triển Công nghiệp Văn hóa của Thủ đô đã coi phát triển thủ công mỹ nghệ - làng nghề truyền thống trở thành ngành “công nghiệp sáng tạo”, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Quận Hoàn Kiếm coi nghề thủ công truyền thống là một nguồn tài nguyên và nhận thức rõ công tác bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa nói chung và các phố nghề Hà Nội nói riêng trong đó có nghề kim hoàn. “Quận Hoàn Kiếm mong muốn thông qua Tọa đàm được lắng nghe các nghệ nhân, các chuyên gia, thợ thủ công, doanh nghiệp có ý kiến sâu hơn về giá trị di sản nghề kim hoàn Thăng Long - Hà Nội. Đặc biệt, chia sẻ kinh nghiệm trong việc giữ gìn nghề kim hoàn; đề cập những khó khăn, tồn tại trong bảo tồn, phát triển nghề kim hoàn; đề xuất ý kiến trong tạo mẫu sản phẩm, kết nối các làng nghề” - ông Phạm Tuấn Long nhấn mạnh.
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm, Phó Trưởng ban Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cho biết, phố Hàng Bạc là một trong số ít phố nghề truyền thống còn lại trong khu phố cổ của Thủ đô Hà Nội. Trước đây phố Hàng Bạc thuộc phường Đông Các (huyện Thọ Xương), là khu vực thương mại sầm uất, là một trong 36 phường của Thăng Long với nghề đúc bạc, kim hoàn đặc sắc. Chính những người thợ kim hoàn từ Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội), Đồng Sâm (Thái Bình), Châu Khê (Hải Dương) tụ về Thăng Long đó tạo nên hoạt động chủ yếu và đặc sắc của phường Đông Các xưa. Mỗi một làng nghề có một kỹ thuật riêng và đều do các tổ nghề truyền dạy.
“Đình Kim Ngân ở 42 - 44 phố Hàng Bạc - nơi thờ ông tổ Bách Nghệ và ông tổ nghề đúc bạc của làng Châu Khê Hải Dương là thượng thư Bộ lại triều Lê Lưu Xuân Tín. Đình Kim Ngân hiện diện, trường tồn trên mảnh đất của phố Hàng Bạc là nguồn tư liệu quý, một bằng cứ để giúp cho việc nghiên cứu về sự hình thành một đường phố, một phố nghề, một làng nghề ở tại Kinh thành Thăng Long” - bà Trần Thị Thúy Lan chia sẻ.
Cũng theo bà Trần Thị Thúy Lan, đình Kim Ngân bên cạnh việc phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân trong khu phố cổ và khách thập phương, còn mở cửa phục vụ nhân dân và khách tham quan. Đình còn là nơi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về nghề; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian góp phần phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của khu phố cổ Hà Nội… “Quá trình khôi phục phố nghề kim hoàn được thực hiện gắn với sự vận động phát triển chung của nền kinh tế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, của quận một cách bền vững. Khôi phục các giá trị văn hóa phải đi liền với phát triển kinh tế, đảm bảo lợi ích vật chất và tinh thần của người dân trên tuyến phố” - bà Trần Thị Thúy Lan kiến nghị.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia, nghệ nhân, thợ thủ công các làng nghề kim hoàn của Hà Nội đã chia sẻ sự tự hào về nghề truyền thống, cũng như những khó khăn trong bảo tồn, phát huy nghề trong đời sống hiện nay. Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát triển các làng nghề truyền thống; kết nối các làng nghề, phố nghề, các nghệ nhân, thợ thủ công xây dựng đình Kim Ngân và phố nghề Hàng Bạc trở thành một phố nghề có tính tiêu biểu của khu phố cổ Hà Nội. Từ đó tạo một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước, quốc tế, góp phần phát triển dịch vụ, thương mại và du lịch Hà Nội.
Tuấn Sơn