(Tạp chí Du lịch) - Nhằm triển khai Quyết định số 1577/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng về ban hành Kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng vừa tổ chức buổi tập huấn về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho cán bộ nòng cốt tại các quận, huyện, hội, đoàn thể trên địa bàn thành phố.
Buổi tập huấn nhằm cung cấp thông tin về Kế hoạch cũng như chia sẻ các kinh nghiệm, giải pháp thực hiện truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý chất thải rắn. Nội dung tập huấn tập trung vào kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2025 với mục tiêu phấn đấu hoàn thành mục tiêu về tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái sử dụng, tái chế đạt ít nhất 12% vào năm 2020 và 15% vào năm 2025; đồng thời, hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho các cán bộ. Ngoài ra, Chi cục Bảo vệ môi trường cũng giới thiệu các mẫu dụng cụ, thiết bị để phục vụ công tác phân loại rác tại nguồn.
Trong năm 2019, nhiệm vụ đặt ra là xác định các địa điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt tái chế, nguy hại; xây dựng Kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn của quận, huyện; tập huấn cho cán bộ nòng cốt tại địa phương, tổ dân phố, trưởng thôn; tuyên truyền cho người dân, hộ dân.
Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn theo 3 loại: rác thải tái chế, rác thải nguy hại và rác thải còn lại. Rác nguy hại đem đến điểm tiếp nhận hoặc điểm thu hồi rác thải nguy hại. Rác có kích thước lớn (gỗ, tủ, bàn, ghế sofa..) không được bỏ chung vào rác sinh hoạt, hộ gia đình; chủ nguồn thải phải thỏa thuận với đơn vị thu gom, vận chuyển có chức năng để chuyển giao; quán triệt tuân thủ việc phân loại rác, không vứt rác trên vỉa hè, lòng đường; giao rác theo giờ thu gom quy định của địa phương; sử dụng nhãn dán trên túi theo hướng dẫn.
|
PV