Trên đảo không có nhà nghỉ hay homestay. May mắn thay chúng tôi tìm được địa điểm nghỉ ngơi tại nhà văn hóa của xã chỉ với 50 ngàn đồng/đêm. Nhà văn hóa xã đẹp và rộng, giống khu resort với sân vườn, xích đu, nhà tắm riêng. Ở đây có một phòng duy nhất dành cho khách với 10 chiếc giường đơn kiểu bộ đội, do Ủy ban xã cho Đội thanh niên của đảo làm dịch vụ để có thêm thu nhập.
Trên đảo không có sóng điện thoại. Chúng tôi không còn bận tâm về facebook, zalo..., những thiết bị của thế giới hiện đại đang chia cắt mối liên kết trực tiếp mỗi người với cộng đồng.
Buổi tối, lang thang dọc trục chính của đảo, ngồi bên bờ biển ngắm hoàng hôn. Những con tàu neo bờ, chờ đi đánh cá đêm. Người dân đi bằng thuyền thúng. Lâu lâu, một cơn sóng to vỗ bờ. Nước tung bọt trắng tràn lên bờ kè.
12h đêm. Điện tắt. Đảo chưa có điện lưới quốc gia dù cách đất liền 24km. 4h sáng, chuông báo thức đồng loạt kêu. Mặc dù trời mưa nhưng chúng tôi vẫn quyết đi đón bình minh. Trời se lạnh. Trăng nhờ nhờ sắp lặn. Phía Đông đảo mặt trời đang lên. Khung cảnh thanh bình tới kỳ lạ. Chúng tôi giữ vỏ chai nước, túi giấy trong balo chờ xuống núi tìm nơi vứt bỏ. Ai có thể phá vỡ nét hoang sơ, sạch đẹp ở nơi này?
Từ mũi phía Đông chúng tôi sang hải đăng, cột cờ, giếng nước. Khi thì đi qua những vườn dừa cong mình vì bão. Lúc lạc vào rừng hoa ngũ sắc. Khi băng qua bụi xương rồng gai khắc khổ. Thỉnh thoảng, thấy mấy chú dê chạy trên núi kêu váng cả rừng. Những ngôi nhà nhỏ có hàng rào màu xanh da trời, điểm vào đó màu tím rực của hoa giấy. Chỗ nào cũng đáng để lưu lại mà ngắm nhìn, mà hít hà mùi hương lẫn trong gió.
Ngọn Hải đăng nằm trên đỉnh núi cao nhất đảo, khoảng 120m, được người Pháp xây dựng và đặt tên là Plogam Bir. Hơn 100 năm qua, ngọn hải đăng này vẫn là người bạn thủy chung của những đoàn thuyền đánh cá từ mọi miền đất nước qua đây.
Nếu phía Đông là những rừng cây phi lao, bạch đàn um tùm thì phía Nam lại bồng bềnh lau sậy. Những hòn đá to ẩn hiện. Bên dưới chân đảo là bãi cát trắng trải dài. Những con thuyền nằm trên bờ phủ lên mình lớp lá dừa tránh mưa gió, sẵn sàng chờ ngày vươn khơi đón cá. Nghe nói, đây còn là nơi rùa thường đẻ trứng, nếu đi từ tháng 2 tới tháng 11 có thể gặp rùa con đang trở về biển. Chúng tôi không may mắn được nhìn thấy chúng.
Con đường phía Nam đảo đang xây dựng, nối tới khu nhà hành chính, quân sự của đảo. Có lẽ khoảng một năm nữa đó sẽ là con đường đẹp nhất đảo. Nếu còn quay lại, chúng tôi sẽ đạp xe hết con đường đó để được xuyên qua rừng dừa, rừng lau, rừng phi lao và ngắm nhìn mặt biển.
Đầu giờ chiều, trời tạnh, nhưng mây nặng như muốn sa xuống biển. Chiếc thuyền về đất liền đón chúng tôi ở cầu cảng. Chúng tôi được những người không quen biết giúp chuyển đồ xuống tàu. Đáp lại lời cảm ơn của chúng tôi, chỉ có những nụ cười hồn hậu…
Cù lao Xanh còn có tên gọi khác là đảo Thanh Niên, thuộc xã Nhơn Châu, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 20km. Trước năm 1975 đảo thuộc tỉnh Phú Yên, nhưng sau cắt về cho tỉnh Bình Định. Được biết, Chính phủ đang đầu tư xây dựng năng lượng gió trên đảo và có kế hoạch phát triển nơi đây thành một điểm du lịch như Lý Sơn.
|
Thông tin cho du khách:
*Khoảng thời gian đẹp nhất để du lịch tại Cù lao Xanh là từ tháng 12 tới tháng 8 năm sau.
*Từ bến Hàm Tử (thành phố Quy Nhơn), bạn bắt tàu cao tốc ra Cù lao Xanh lúc 13h - 13h30, giá vé là 200 ngàn đồng.
|
Trần Mừng
(Tạp chí Du lịch)