Hệ động vật, thực vật ở Pù Luông rất phong phú với các loài đặc trưng như: sóc bụng đỏ, bò tót, gà tiền mặt vàng… Đặc biệt, nơi đây là môi trường sống thích hợp với nhiều loài linh trưởng, trong đó có voọc. Các loại động vật phổ biến ở Pù Luông có nhiều loài quý hiếm như: bò tót, hổ, báo gấm, báo hoa, beo, gấu ngựa, gấu chó, sóc, nai, hươu, tê tê, mèo rừng, lợn lòi… 36 loài trong số này đã được ghi trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, có tới 13 loài thú ở Pù Luông bị đe dọa tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu.
Trong các khu rừng trên núi đá vôi, có nhiều loại gỗ quý hiếm nghìn năm tuổi, gần như chỉ còn sót lại trong những cánh rừng già quanh năm ẩm ướt. Không gian nhiều tầng của các khu rừng già là thế giới của nhiều loại phong lan đẹp, có không ít loại chưa được định danh, người dân cứ dựa vào kiểu lá, hoa, màu sắc, hình dáng của cây mà gọi tên.
Sự đa dạng sinh học của các khu rừng nguyên sinh Pù Luông còn thể hiện ở thế giới của các loài nhuyễn thể sống trong môi trường nước, các loại ốc núi, các loại bò sát, chân khớp, rong rêu, các loại ong, bướm; các loài chim quý như công, trĩ, đại bàng, phượng hoàng, dải phướn…
Trong các khối núi đá vôi ở Pù Luông có rất nhiều hang động, phần lớn chưa được đặt tên. Nhiều hang động khá thoáng, rộng, cận kề nguồn nước, sẵn thức ăn, có nguồn đá làm công cụ, thuận lợi cho việc cư trú, sinh sống của con người thời kỳ nguyên thủy. Một số hang động đã được định danh như: hang Kho Mường, hang Dơi, hang Pó Mười… đã được đưa vào các tour khám phá hang động hấp dẫn với những người yêu thích du lịch mạo hiểm.
Pù Luông không chỉ hấp dẫn khách tham quan bởi khu bảo tồn thiên nhiên, các cảnh quan kỳ thú, khí hậu mát mẻ, trong lành mà còn là điểm đến của các chương trình du lịch nhân văn miền Tây xứ Thanh, vì nơi đây lắng đọng rất nhiều trầm tích văn hóa truyền thống của người Thái, người Mường. Pù Luông nằm trên “hành lang” của người Thái từ đất Mường Then (Điện Biên Phủ) vào xứ Thanh, xứ Nghệ và con đường giao lưu văn hóa giữa người Mường Trong với Mường Ngoài.
Trong lịch sử xa xưa, người Thái Tây Bắc Việt Nam di cư về phương Nam, khai phá đất đai, lập mường dựng bản… dẫn đến sự có mặt của tộc người Thái và vùng văn hóa Thái trên đất Thanh.
Du khách đến với Pù Luông sẽ có dịp được tiếp cận với những thành tố của văn hóa Thái, văn hóa Mường; được thưởng thức các món ẩm thực đặc sắc của đồng bào như rượu cần, cơm lam, canh đắng, cá nướng, thịt khô, xôi đồ trứng kiến, gỏi cá, chè củ mài nấu mật ong rừng… Tại đây còn có nhiều loại hình văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc của người Mường, người Thái như khua luống, khặp Thái, múa sạp, xem các trò diễn dân gian Thái như: Kin Chiêng Boóc Mạy, Lễ hội Căm Mương… hấp dẫn du khách.
Pù Luông nằm ở điểm cực Bắc huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, giữa hai xã Thành Sơn (Bá Thước) và Phú Xuân (Quan Hóa), vùng giáp ranh ba tỉnh Thanh Hóa - Sơn La - Hòa Bình. Pù Luông; nằm trong hệ sinh thái kéo dài từ Mai Châu (Hòa Bình), nối với khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn và Vườn quốc gia Cúc Phương tạo thành liên khu sinh thái Pù Luông - Cúc Phương. Đây là khu vực núi đá vôi rộng nhất Việt Nam, có sự thống nhất trong đa dạng với các tiểu vùng sinh thái. |
TS. Phạm Văn Đấu - Phạm Võ Thanh Hà
(Tạp chí Du lịch)