Ông Trần Hưng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Cù Lao Chàm, nhấn mạnh với một loạt các chương trình kích cầu du lịch, đặc biệt là chủ trương kích hoạt du lịch biển đảo Cù Lao Chàm, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, ngành Du lịch tỉnh Quảng Nam đã đạt được kết quả rất đáng khích lệ trong việc khôi phục lại đà tăng trưởng du lịch.
Ông Hưng cho biết để thu hút khách du lịch biển đảo, ngoài việc duy trì thường xuyên và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động “Đêm Cù Lao”, Hiệp hội Du lịch Cù Lao Chàm đã thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi độc đáo và ấn tượng.
Các đoàn khách từ 10 người đến dưới 30 người đến với “Đêm Cù Lao” vào mỗi tối thứ Bảy hằng tuần sẽ được tặng từ 3 vé đến 6 vé tham quan khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.
UBND TP. Hội An mới đây cũng đã miễn một ngày vé tham quan phố cổ và đảo Cù Lao Chàm để kích thích du khách.
Tiếp sức cùng chương trình khuyến mãi trên, các cơ sở lưu trú ở TP. Hội An đã thực hiện kích cầu du lịch 2015 với ưu đãi giảm từ 10%-40% giá phòng cho du khách. Nhiều cơ sở lưu trú, homestay, biệt thự nghỉ dưỡng và một số nhà hàng ở Hội An cũng tặng vé tham quan hoặc miễn, giảm giá cho khách.
Nỗ lực của ngành du lịch Quảng Nam đã đem lại kết quả đáng ghi nhận trong việc thu hút du khách. Thống kê chưa đầy đủ của ngành du lịch Quảng Nam cho thấy từ đầu năm đến nay tỉnh thu hút được trên 1,3 triệu lượt khách, trong đó có hơn một nửa là khách quốc tế.
Theo các chuyên gia du lịch, các chương trình khuyến mãi trên đã có tác động nhất định đến du khách. Tuy nhiên các chương trình mang tính tạm thời, không có chiến lược bài bản và chắc chắn sẽ không tồn tại được lâu, không có sức hấp dẫn thật sự đối với du khách.
Để Cù Lao Chàm thật sự là “hạt nhân” kích hoạt các hoạt động thu hút khách du lịch đến Cù Lao Chàm nói riêng và đến Quảng Nam nói chung thì nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết một cách triệt để. Đó là hệ thống dịch vụ, bao gồm cơ sở hạ tầng nghỉ dưỡng, dịch vụ vui chơi, dịch vụ vận chuyển, dịch vụ ẩm thực và các loại hình văn hóa văn nghệ phục vụ du khách đều phải cải tiến, nâng cao chất lượng.
Ông Trần Hưng kiến nghị cần có sự đầu tư bài bản, lâu dài và bền vững trên cơ sở làm phong phú, làm mới các sản phẩm du lịch từ biển. Mặt khác cần phải chú trọng đến chất lượng các loại hình dịch vụ, bởi chất lượng dịch vụ, nhất là dịch vụ lưu trú giữ vai trò quan trọng đối với du khách.
Một trong những hạn chế khiến du lịch biển đảo Quảng Nam nói chung và Cù Lao Chàm nói riêng chưa thật sự tương xứng với tiềm năng là các dịch vụ nghỉ ngơi, qua đêm trên đảo Cù Lao Chàm đến thời điểm này vẫn còn nghèo nàn. Mô hình du lịch cộng đồng trên đảo đã triển khai thực hiện trong mấy năm qua góp phần không nhỏ trong việc cải thiện sinh kế cho một bộ phận lớn cư dân trên đảo. Tuy nhiên các dịch vụ du lịch cộng đồng còn mang tính tự phát, chưa có sự phối hợp để nâng cao giá trị sản phẩm.
Bên cạnh đó, nội dung thuyết minh cho du khách tại các điểm tham quan cũng chưa thật hấp dẫn. Nhiều hướng dẫn viên du lịch phản ánh, khách đến tham quan Cù Lao Chàm ai cũng muốn đến chùa Hải Tạng để chiêm bái và cầu mọi điều may mắn đến với gia đình, người thân. Tuy nhiên nội dung thuyết minh về chùa, về Đức Phật, về các vị Bồ tát và các vị đã hiển Thánh được thờ cúng trong chùa chưa thuyết phục.
Với những mặt mạnh và những hạn chế cần khắc phục để chương trình kích hoạt biển đảo thật sự trở thành hạt nhân trong nỗ lực khôi phục đà tăng trưởng du lịch một cách bền vững, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An, cho biết trên cơ sở hạ tầng và tài nguyên du lịch hiện có, TP. Hội An đã xác định, khai thác sản phẩm du lịch biển đảo là hướng phát triển trọng tâm trong những năm tới.
Bên cạnh việc khai thác tài nguyên du lịch hiện có như các bãi biển còn đậm chất hoang sơ, trải nghiệm đời sống cư dân trên đảo, kết hợp với du lịch văn hóa tâm linh, khám phá Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm với các hoạt động thám hiểm rừng nguyên sinh, lặn biển…là những sản phẩm được du khách lựa chọn trong các tour du lịch.
Về lâu dài, thành phố sẽ đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch biển đảo, trước mắt là ưu tiên cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của du khách, nhất là khách du lịch quốc tế.
Khai thác tiềm năng của Cù Lao Chàm để phục vụ du lịch đã được ngành du lịch Quảng Nam thực hiện từ nhiều năm qua, song kích hoạt các tiềm năng còn ẩn chứa trong không gian văn hóa biển đảo rộng lớn này để tiến đến xây dựng chuỗi các sản phẩm du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ để Cù Lao Chàm trở thành hạt nhân kích thích du lịch trong vùng phát triển bền vững là vấn đề mới mẻ nhưng có tính khả thi cao.
Để mục tiêu này trở thành hiện thực thì sẽ trở nên quá sức đối với ngành du lịch mà cần phải có sự vào cuộc của nhiều ngành, của cộng đồng, nhất là của chính quyền các cấp.
Nguồn: TTXVN