Ngược dòng lịch sử, cù lao Chàm từng là trạm dừng chân cho các tàu thuyền ghé mua nước ngọt khi cập cảng Hội An – Cửa Đại. Nổi danh là một thương cảng sầm uất khu vực Đông Nam Á, thương cảng này được thương lái các nước dong thuyền tới mua bán, trao đổi sản vật và lưu trú lại khá lâu. Khi những cơn gió xuôi nổi lên, họ mới lên tàu tìm đường trở về cố hương.
Do có địa hình đá núi trập trùng, ngẫu nhiên, cù lao Chàm cũng từng là chốn ẩn náu của bọn cướp biển. Chúng thường giấu tàu thuyền trong các khe đá lởm chởm, đợi những thuyền buôn đi qua thì xua quân ra cướp bóc. Từ đó, bãi cát gần chỗ đá Chồng còn có tên là bãi Tàu. Tuy nhiên, tương truyền, với quyền uy linh thiêng, các vị thần trên đảo đã ra tay trừng phạt bọn cướp bằng cách nổi sóng ba đào đánh vỡ tàu hoặc dùng gió thổi gãy cột buồm, đứt neo lái.
Ghé thăm xóm Cấm, chúng tôi được biết tại xóm này có một chiếc giếng Chăm cổ, theo các nhà nghiên cứu thì giếng nước này từng là điểm cung cấp nước ngọt cho cư dân trên đảo cách đấy gần 10 thế kỷ. Vào năm 2006, giếng nước xóm Cấm đã được công nhận là Di tích cấp quốc gia.
Giếng xóm Cấm có kiểu hình ống tròn, thành giếng hình tròn, nền giếng hình vuông, ở mỗi góc có một trụ vuông. Nhìn vào đáy giếng, làn nước trong vắt, mát lành như mời gọi.
Người dân cù lao Chàm dùng nước giếng xóm Cấm nấu chung với một loại lá rừng trên đảo dùng để trị chứng say sóng rất tốt. Giếng không bao giờ cạn, dù vào mùa khô kiệt nhất, vì vậy, cư dân đảo yêu quý và giữ gìn giếng vô cùng cẩn trọng.
Rời xóm Cấm, cả nhóm men theo những con đường nhỏ ngoằn ngoèo đến viếng chùa Hải Tạng - di tích tâm linh được xây dựng cách đây trên 250 năm. Do nằm giữa các ngọn núi lô nhô, thoạt trông chùa Hải Tạng rất bé nhỏ và im ắng, ẩn mình dưới những bóng cây xanh. Chùa được thiết kế theo phái Bắc Tông, do người Hoa xây dựng. Vì vậy, ngoài thờ Phật, chùa còn thờ các vị thần thánh Đế Quân, Nữ Oa, Địa Tạng vương, Quan Công…
Chùa Hải Tạng còn lưu giữ khá tốt về kết cấu kiến trúc, mỹ thuật tiêu biểu thế kỷ 18. Đây là nguồn cung cấp nhiều thông tin quý giá về lịch sử hình thành cộng đồng cư dân ở cù lao Chàm xa xưa. Vì vậy, ngôi chùa này luôn được các nhà nghiên cứu văn hóa Champa – Việt cổ ghé đến.
Đến cù lao Chàm, đừng quên mình trong làn nước mát, lặn ngắm rừng san hô đủ màu sắc và thưởng thức những món hải sản nướng thơm lừng dưới bóng dừa mát rượi.
Cù lao Chàm là một cụm đảo gồm 8 hòn đảo nhỏ: hòn Lao, hòn Dài, hòn Mồ, hòn Khô Mẹ, hòn Khô Con, hòn Lá, hòn Tai và hòn Ông. Dân số trên đảo khoảng hơn 3.000 người nhưng chỉ tập trung sinh sống ở hòn Lao. Ở các hòn khác, do vách núi cheo leo nên chim yến kéo về làm tổ dày đặc. Vì thế, toàn bộ cụm đảo này ngoài những cái tên cổ xưa như: Chiêm Bất Lao, Tiêm Bích La, cù lao Chàm, còn được người địa phương gọi là đảo yến. Trên đảo có đền thờ ông tổ nghề yến sào. Hàng năm, vào mùa xuân, cư dân vẫn đến đó hành lễ.
|
Quỳnh Dương