Những chuyển biến tích cực
Năm 2006 là năm có sự chuyển biến mạnh mẽ trong bảo tồn biển tại Cù Lao Chàm với việc UBND tỉnh phê chuẩn Quy hoạch phân vùng chức năng để bảo vệ, khai thác hợp lý và phát triển du lịch sinh thái, cùng với đó là sự ra đời các tổ chức cộng đồng để thực thi nhiệm vụ. Đội tuần tra bảo tồn biển được thành lập, trở thành cầu nối phối hợp với các bên liên quan là bộ đội biên phòng, công an địa phương, thanh tra thuỷ sản và cộng đồng để giám sát, kiểm tra các hoạt động bảo tồn và du lịch sinh thái tại các rạn san hô, thảm cỏ biển. Một thời gian sau, cộng đồng Cù Lao Chàm được tiếp cận bảo tồn và du lịch sinh thái trên các đối tượng tài nguyên mục tiêu cụ thể bao gồm rạn san hô, thảm cỏ biển, tôm hùm, cua đá, ốc vú nàng và bãi biển.
Cù Lao Chàm và vùng cửa sông Thu Bồn - Hội An được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) năm 2009 trên cơ sở 7 tiêu chí, trong đó có yếu tố phân vùng. Sự phân vùng của KDTSQ được xây dựng trên cơ sở khu bảo tồn (vùng lõi), vùng sử dụng tài nguyên một cách có kiểm soát (vùng đệm), vùng giao thoa giữa bảo tồn và phát triển (vùng chuyển tiếp). Như vậy, khái niệm phân vùng trong khu bảo tồn biển (KBTB) và sau đó là KDTSQ đã tạo cơ sở cho phát triển du lịch sinh thái tại Cù Lao Chàm và Hội An, và phát triển du lịch sinh thái luôn gắn liền với bảo tồn.
Từ năm 2013, du lịch sinh thái Cù Lao Chàm đã nâng lên một tầm mới. Cù Lao Chàm thực sự trở thành sản phẩm mục tiêu trong phát triển du lịch của Hội An và Quảng Nam. Tại điểm cuối của vùng hạ lưu, một dòng vật chất được chuyển vào đất liền hoặc phục vụ du lịch trên đảo bao gồm các sản phẩm thủy sản, cua đá, lá rừng, võng ngô đồng, cảnh quan môi trường, đời sống cộng đồng... Một dòng tri thức và văn hóa được nghiên cứu chuyển giao, đó là mô hình bảo tồn biển, danh hiệu khu dự trữ sinh quyển, mô hình cua đá, mô hình không túi ni lông, mô hình phân loại rác tại nguồn, mô hình lưu trú tại nhà dân (homestay).
Tại Cù Lao Chàm, cua đá đã được cộng đồng quản lý, bảo vệ và khai thác với số lượng hợp lý, kích thước mai cua đảm bảo với cam kết ban đầu là trên 7cm khi được dán nhãn sinh thái. Đối tượng tài nguyên này bước đầu được bảo vệ và quản lý khai thác một cách khoa học gắn liền với hệ thống giám sát đảm bảo được bền vững trong tương lai.
Đến nay, tại Cù Lao Chàm có hàng trăm người dân địa phương, hàng trăm hộ gia đình tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch sinh thái với hơn 12 loại hình sinh kế mới. Thu nhập nâng cao, chất lượng cuộc sống cải thiện là động lực cho người dân tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường và tài nguyên vùng đảo.
|
Không chỉ mang lại lợi ích cho người dân địa phương, hoạt động du lịch sinh thái Cù Lao Chàm đã và đang là điểm nhấn làm giàu thành phố Hội An và các cộng đồng trong vùng bờ. Tuy chỉ có 10% tổng số du khách từ Hội An đến với Cù Lao Chàm hàng năm (Hội An đón 1,5 triệu lượt du khách, trong khi đó Cù Lao Chàm tiếp đón 150 ngàn lượt người), nhưng lợi ích mang lại cho dịch vụ du lịch trong đất liền là rất lớn. Thông thường, du khách đến thăm Cù Lao Chàm đều lưu trú tại Hội An thêm ít nhất 2 ngày. Hiện nay, đã có 32 công ty vận tải khách du lịch từ Hội An ra Cù Lao Chàm với hơn 120 tàu, thuyền và cano cao tốc phục vụ, đạt tổng danh thu khoảng 100 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, thu nhập của người dân trong khu bảo tồn chỉ bằng 1/3 của người ngoài đảo. Vì vậy, làm thế nào để nâng cao thu nhập của người dân đảo khi tham gia hoạt động du lịch sinh thái là điều rất quan trọng. Một trong những cách tiếp cận mà Hội An cần thực hiện là nhìn nhận du lịch sinh thái tại Cù Lao Chàm như điểm nhấn cho sự phát triển của toàn vùng hạ lưu sông Thu Bồn.
Chiến lược phát triển du lịch sinh thái cần đặt trên nền tảng của sự phát triển KDTSQ
Sản lượng khai thác hải sản trước đây của Cù Lao Chàm khoảng hơn 1.500 tấn/năm, nhưng chỉ còn 800 tấn/năm từ khi có KBTB và du lịch sinh thái. Hiện tại, người dân tập trung vào khai thác các sản phẩm phục vụ du lịch. Một số vùng ngư trường được bảo tồn, phần lớn là nơi có hệ sinh thái rạn san hô nhạy cảm. Tuy nhiên, một số đối tượng nguồn lợi đang bị khai thác quá mức, biểu hiện qua số lượng cá thể giảm dần, kích thước cá thể bé dần. Đây là thách thức lớn đối với nguồn lực tự nhiên phục vụ phát triển du lịch sinh thái lâu bền.
Nhu cầu hưởng dụng tài nguyên thiên nhiên như tiêu thụ nguồn lợi sinh vật biển, sản phẩm rừng ngày càng gia tăng theo số lượng du khách đến thăm đảo. Cùng với hiện trạng khai thác khó kiểm soát của người ngoài địa phương, thế mạnh về nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học tại Cù Lao Chàm có khả năng bị suy giảm, nếu không có giải pháp ngăn chặn, sẽ dẫn đến tình trạng nghèo nguồn lực tự nhiên trong tương lai không xa.
Các nguyên nhân gián tiếp liên quan đến suy giảm nguồn lợi là sự phối kết hợp trong quản lý nguồn lực tài nguyên thiên nhiên chưa đủ mạnh và chưa thuyết phục cộng đồng tích cực tham gia bảo vệ. Các lực lượng chức năng như công an xã, biên phòng, kiểm ngư, dân quân xã và bảo tồn biển cần có sự phối kết hợp chặt chẽ và hỗ trợ nhau trong công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý và bảo vệ.
Các dấu hiệu về chất lượng nước của vùng cửa sông Thu Bồn - Hội An đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến Cù Lao Chàm, đặc biệt trong mùa mưa bão. Hiện tượng nước ngọt, phù sa, rác thải đã có ảnh hưởng tăng dần tại các vùng rạn san hô. Hiện trạng mở đường quanh đảo, xây dựng bờ kè, sửa chữa âu thuyền và các công trình hạ tầng phần nào đã làm ảnh hưởng đến cảnh quan của Cù Lao Chàm trong một thời gian nhất định.
Nhằm khắc phục những tình trạng trên, KBTB Cù Lao Chàm đã đề nghị mở rộng tiếp cận bảo tồn biển vào vùng bờ, hạ lưu sông Thu Bồn, gắn bảo tồn biển với phục hồi rừng ngập mặn, các bãi sậy, đụn cát trong vùng cửa sông. Đồng thời, trong năm 2013 Cù Lao Chàm đã ứng dụng công nghệ phục hồi san hô và đã nuôi cấy tại vùng phục hồi 4.800 tập đoàn, tại vườn ươm 750 tập đoàn san hô. Tỷ lệ sống của san hô nuôi cấy tại vườn ươm khoảng 87% và tại vùng phục hồi là 74%. Số tập đoàn san hô tách từ vườn ươm sang phục hồi là hơn 400 tập đoàn. Một số tập đoàn san hô bàn, cành mới cũng đã được ghi nhận tại các gềnh đá Cù Lao Chàm. Đây là dấu hiệu phục hồi tự nhiên của các loài san hô tạo rạn tại các vùng nước được giữ gìn sạch sẽ.
Năm 2009 - 2010, cộng đồng được hướng dẫn tăng cường công tác quản lý các hoạt động du lịch tại địa phương. Đồng thời, chất lượng môi trường cũng được cộng đồng ưu tiên quan tâm. Cộng đồng đã tham gia phong trào “nói không với túi nylon” và hành động này không chỉ dừng lại ở vấn đề môi trường mà nó đã trở thành một sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho cộng đồng Cù Lao Chàm. Đặc biệt từ năm 2011 đến nay, các nỗ lực của cộng đồng đã trở thành hiện thực với sự ra đời của Tổ cua đá, Tiểu khu bảo tồn biển Bãi Hương, một lần nữa đã chứng tỏ sự lớn mạnh, khả năng chia sẻ trách nhiệm và lợi ích của từng nhóm cộng đồng với hoạt động bảo tồn hỗ trợ cho phát triển du lịch sinh thái tại Cù Lao Chàm.
Một trong những lợi thế Hội An đang rất cần phát huy là sử dụng tích cực danh hiệu KDTSQ tại địa phương, nhất là tại vùng cửa sông Thu Bồn - Hội An. 7 tiêu chí của KDTSQ Cù Lao Chàm - Hội An cần được triển khai sâu rộng trong cộng đồng nhằm tăng cường sức mạnh của toàn dân cho bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái tại vùng này. Cù Lao Chàm cần được bảo vệ cho sự phát triển của toàn vùng hạ lưu. Sự chuyển biến trong nhận thức cũng như trong ứng xử tốt dần với thiên nhiên của con người trong KDTSQ sẽ góp phần phát triển bảo tồn và du lịch sinh thái. Hai dòng vật chất và tri thức - văn hóa tại KDTSQ cần được xác định rõ trong nhận thức của con người hưởng lợi tại đây.
Chiến lược phát triển du lịch sinh thái Cù Lao Chàm - Hội An cần được đặt nền tảng trên sự phát triển của KBTB và KDTSQ Cù Lao Chàm - Hội An. Trong chiến lược phát triển du lịch sinh thái ấy, cần phải bao gồm các nội dung về truyền thông nâng cao nhận thức và năng lực cộng đồng, nghiên cứu khoa học và trình bày kết quả, phối kết hợp các bên liên quan trong quản lý tài nguyên, môi trường, sức chứa du lịch, giáo dục và đào tạo về bảo tồn, sử dụng bền vững, giám sát, đánh giá, báo cáo và phát triển nguồn nhân lực cho hôm nay và tương lai.
Dư Văn Toán