Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được chính thức triển khai thí điểm tại Việt Nam từ tháng 4/2008 tại TP. Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh. Tính đến 31/10/2015, chương trình đã triển khai tại 55 tỉnh, thành phố với 215 cơ sở, điều trị cho khoảng 39.878 bệnh nhân.
Thuốc Methadone sử dụng cho bệnh nhân tại Việt Nam do Bộ Y tế làm đầu mối nhập khẩu đều do nguồn kinh phí tài trợ từ Chương trình PEPFAR tại Việt Nam và Dự án Quỹ toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, các nhà tài trợ cũng đã công bố lộ trình cắt giảm kinh phí viện trợ. Do vậy, chương trình sẽ được mở rộng dựa vào kinh phí trong nước và chủ yếu là do các địa phương đảm nhiệm. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các các tỉnh/thành phố triển khai, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch 38/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 14/11/2014 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính về việc ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
Hiện nay, có 13 tỉnh, thành phố tiến hành thu phí cho các dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone là: TP. Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Điện Biên, Bắc Ninh, Kon Tum, Ninh Bình, Bắc Giang, Nam Định, Hải Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Trị.
Tại hội thảo, đại diện các tỉnh, thành phố đã trao đổi khó khăn và vướng mắc cũng như hướng giải quyết trong quá trình thực hiện các văn bản quản lý hiện nay của Chương trình điều trị Methadone, việc thực hiện chỉ tiêu điều trị Methadone theo Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 20/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu bệnh nhân được điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone năm 2014 và 2015 cũng như cách thức xây dựng và sử dụng nguồn thu từ giá dịch vụ điều trị Methadone…
TH