Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2011, gồm 6 nội dung chính: Biến đổi khí hậu - thách thức và cơ hội đối với Việt Nam; Quan điểm chiến lược; Tầm nhìn tới năm 2100; Mục tiêu đến 2050; Các nhiệm vụ chiến lược và Tổ chức thực hiện.
Theo đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó đồng bằng sông Cửu Long là một trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng.
Bốn mục tiêu cụ thể và các nhiệm vụ chiến lược cũng đã được nêu rõ. Theo đó, đến năm 2015, Việt Nam sẽ hoàn thành việc xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu và nước biển dâng; đến năm 2020, hệ thống quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn và cảnh báo hiện tượng khí hậu cực đoan đạt mức tiên tiến trên thế giới. Cũng thời điểm năm 2020, tỷ lệ đất có rừng được nâng lên 45% song song với việc nâng cao chất lượng rừng, tăng cường bảo vệ, quản lý và phát triển rừng ngập mặn, các hệ sinh thái đất ngập nước…Về sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, đến năm 2015 hoàn thành việc rà soát và ban hành kế hoạch loại bỏ dần các công nghệ kém hiệu quả; ban hành hệ thống định giá năng lượng mới.
Đồng thời với công bố “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu”, Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng xây dựng Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, cập nhật năm 2012. So với kịch bản được xây dựng năm 2009, kịch bản 2012 đã bổ sung các dữ liệu, kiến thức mới về hệ thống khí hậu và các phương pháp tính toán hiện đại và chi tiết, có cơ sở khoa học và phù hợp với thực tiễn hơn, bổ sung một số yếu tố cực trị khí hậu, phục vụ cho công tác tính toán thiết kế và quy hoạch.
Sau Lễ công bố, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tổ chức thảo luận về các chính sách biến đổi khí hậu, với chủ đề "Tăng cường năng lực điều phối các hoạt động ứng phó và thực hiện chính sách về biến đổi khí hậu;" "Những vấn đề về tài chính cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam;" "Tăng cường nhận thức, năng lực, giáo dục và đào tạo và phát triển khoa học công nghệ về biến đổi khí hậu". Tại cuộc thảo luận, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao những nỗ lực và sự chủ động của Chính phủ Việt Nam trong công cuộc ứng phó với biển đổi khí hậu toàn cầu, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục có những hỗ trợ về tài chính và công nghệ để Việt Nam ứng phó hiệu quả với các tác động của biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học cũng khuyến nghị các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng, văn hóa, du lịch… quan tâm nhiều hơn nữa đến biến đổi khí hậu, từ đó đề xuất những chính sách và giải pháp ứng phó phù hợp.
Tham Tập