Được xây dựng từ thế kỉ XII, chùa Cổ Lễ còn có tên tự là chùa “Thần Quang”. Trải qua quá trình tôn tạo trùng tu, chùa có dáng vẻ, sắc thái riêng, trong đó đặc biệt nổi bật là phong cảnh kiến trúc độc đáo, mang yếu tố “cửa Thiền trên nền văn hóa dân tộc, phương Đông kết hợp với phương Tây”.
Theo truyền thuyết dân gian và những tư liệu lịch sử ghi chép trong các sách: Lĩnh Nam chích quái, Thiền uyển tập anh, Đại nam nhất thống chí…chùa do Quốc sư Minh Không xây dựng từ thế kỷ XII dưới thời Lý. Điều này cũng được ghi nhận trong một câu văn của bài minh, khắc trên chiếc chuông đồng đúc năm 1799 (niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 7) vẫn lưu giữ tại chùa, được dịch ra như sau: “Chân cảnh trời Nam, Thánh tổ đản giáng, dựng chùa Thần Quang”.
Chùa Cổ Lễ là một chỉnh thể gồm nhiều công trình kiến trúc khác nhau, trải rộng theo hướng Đông -Tây, trên một diện tích gần 10 mẫu Bắc bộ. Chùa Cổ Lễ có sự khác biệt rất lớn và rõ rệt về kiến trúc so với các ngôi chùa cổ khác ở Việt Nam. Nếu như chùa cổ Việt Nam thường thấp và trải rộng bề ngang với bộ khung gỗ lim vững chắc thì chùa Cổ Lễ không những rộng mà còn rất cao với kiến trúc mái vòm kiên cố. Có thể nói chính sự kéo léo kết hợp giữa các yếu tố kiến trúc cổ truyền với kiến trúc Gô-tích của Gia-tô giáo đã làm nên nét khác biệt, độc đáo của ngôi chùa này.
Điểm nhấn của tổng thể kiến trúc chùa Cổ Lễ chính là tháp Cửu phẩm liên hoa thuộc loại kiến trúc nhiều tầng vươn cao dần lên không trung đây là một đặc trưng của kiến trúc nhà Phật. Tháp cao 32m, do chín tầng hoa sen liên kết hợp thành, mang ý nghĩa “cửu trùng” là chín tầng trời, đặc thù tín ngưỡng của đạo Phật. Đế tháp được đặt trên lưng một con rùa lớn, đầu quay vào phía chùa. Con rùa được nằm giữa một hồ nước hình vuông, bốn góc là bốn hòn núi giả khá lớn, có đắp bốn con voi to bằng voi thật. Trong lòng tháp có cầu thang gồm 98 bậc xoắn ốc đến đỉnh.
Tiếp theo ngôi tháp là chiếc cầu cuốn cong ba nhịp bắc qua hồ Chu Tích (hồ Núi). Mặt cầu lát gạch cổ dẫn vào chùa Trình, còn gọi là Phật giáo Hội quán. Chùa Trình được xây vào năm 1936 và trùng tu vào năm 2001.
Sau lưng chùa Trình có một cái hồ lớn, giữa hồ có một quả chuông nặng 9.000kg gọi là Đại Hồng Chung. Quả chuông cao 4,2m, đường kính 2,2m, thành dày 8cm. Đây là một trong những quả chuông lớn nhất ở Việt Nam. Miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước và một số văn tự bằng chữ Nho. Tương truyền, khi thỉnh Đại Hồng Chung thì cả tỉnh Nam Định và một vài vùng lân cận sẽ nghe được tiếng chuông ngân.
Được biết, Đại Hồng Chung được đúc vào những năm đầu thế kỷ XIX, thời Hòa thượng Phạm Quang Tuyên trụ trì. Trong quá trình đúc chuông, vì tôn kính ngôi chùa linh thiêng nên nhiều tín đồ, phật tử đã công đức cả nhẫn, vòng, vàng hòa tan trong đó. Khi quả chuông khổng lồ vừa đúc xong thì kháng chiến bùng nổ, nhân dân trong vùng đề phòng sự phá hoại của giặc nên đã đem ngâm quả chuông xuống hồ. Đến năm 1954, chuông mới được trục vớt và được đặt trên bệ đá cho du khách tham quan từ đó đến nay.
Hàng năm, lễ hội chùa Cổ Lễ diễn ra từ ngày 13 – 16/9 âm lịch nhằm tướng nhớ ngày ngài Nguyễn Minh Không hóa thân (14/9), một ngày đã đi vào tiềm thức nhân dân qua câu ca dao:
“Dù ai buôn bán trăm nghề
Mười tư tháng chín thì về hội Ông”.
Đây là một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của tỉnh Nam Định nói riêng và cư dân đồng bằng sông Hồng nói chung còn bảo lưu được nhiều nghi thức, trò chơi dân gian đặc sắc như rước kiệu, bơi trải, múa rối, tổ tôm điếm… phản ánh đời sống sinh hoạt văn hóa phong phú, đa dạng của cư dân nông nghiệp lúa nước. Với nhiều cư dân địa phương thì đây được xem như cái Tết thứ hai trong năm. Đặc biệt, cuộc thi bơi trải truyền thống trên dòng sông uốn lượn quanh chùa có ý nghĩa tái hiện sự gắn bó của Thiền sư Nguyễn Minh Không với đồng đất, kênh rạch nơi đây.
PV