Cơ hội, thách thức và giải pháp phát triển du lịch sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO

Cơ hội rất lớn đang mở ra đối với Du lịch Việt Nam, thể hiện nổi bật:
Một là, tăng khả năng mở rộng thị trường, mở rộng quan hệ với các đối tác một cách bình đẳng.
Hai là, sẽ tạo niềm tin và sức thu hút mới đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch.
Thứ ba, là việc thực hiện đầy đủ các cam kết của một thành viên của WTO theo quy định sẽ thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ ở trong nước.
Bốn là, nước ta sẽ có địa vị bình đẳng với các thành viên khác trong việc hoạch định chính sách thương mại toàn cầu, thiết lập một trật tự kinh tế mới công bằng hơn.
Năm là, việc gia nhập WTO tạo cho các doanh nghiệp có thêm điều kiện tiếp thu công nghệ, kinh nghiệm và cách làm du lịch để mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Tuy vậy, Du lịch Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn, nổi bật:
Thứ nhất là sức ép cạnh tranh du lịch sẽ trở nên gay gắt;
thứ hai do sự phát triển không đồng đều giữa các lĩnh vực hoạt động của Ngành, giữa các vùng, miền trong nước, cả trong quản lý nhà nước và kinh doanh, nên khi mở cửa, hội nhập toàn diện sẽ phải chịu tác động từ bên ngoài vào, không khỏi bỡ ngỡ, lúng túng;
thứ ba sự biến động trên thị trường quốc tế sẽ tác động mạnh, nhanh và toàn diện hơn đến thị trường trong nước;
thứ tư nguồn nhân lực du lịch vốn còn những bất cập và yếu kém sẽ không theo kịp yêu cầu hội nhập;
thứ năm, những thách thức mới xuất hiện ở mức cao, đa chiều và tinh vi hơn ...
Trước cơ hội và thách thức lớn đan xen như vậy, ngành Du lịch phải đi đầu làm nòng cốt, cùng các cấp, các ngành và toàn xã hội thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu sau đây:
Một là phải nâng cao nhận thức và hiểu biết về WTO, về cơ hội và thách thức đối với du lịch khi hội nhập đầy đủ và toàn diện trong WTO, các quy định, các “luật chơi” chung trong WTO, đặc biệt là cam kết cụ thể về dịch vụ du lịch.
Hai là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và luật pháp về du lịch theo hướng hội nhập, vừa đúng luật pháp nước ta, vừa rõ ràng, thống nhất, minh bạch và phù hợp thông lệ quốc tế, các nguyên tắc và quy định của WTO.
Ba là củng cố và mở rộng các loại thị trường ở tất cả các hoạt động du lịch, gắn thị trường du lịch trong nước với thị trường du lịch trong khu vực và trên thế giới.
Bốn là phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch.
Năm là phải kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường phát triển nguồn nhân lực đi đôi với đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp mạnh và đơn giản hoá các thủ tục liên quan đến khách du lịch và kinh doanh du lịch.
Sáu là tăng cường phối hợp liên ngành, liên vùng dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Chính phủ thông qua việc kiện toàn và phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch các địa phương.
Bảy là tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, yếu tố giữ vai trò quyết định sự thành công hay thất bại sau khi gia nhập WTO, trên cả ba cấp độ: quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm.
Tám là đồng thời với các giải pháp phát huy nội lực để tự mạnh lên, cần coi trọng mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong WTO để có thêm nguồn lực phát triển nhanh du lịch Việt Nam.
Hội nhập du lịch trong WTO là một cơ hội tốt, là yếu tố thuận lợi cả trước mắt và lâu dài. Nhưng nếu không chuẩn bị tốt về mọi mặt sẽ không kịp thời hành động khi thời cơ đến rất nhanh như hiện nay, dẫn đến bỏ lỡ cơ hội phát triển, phải đứng trước thách thức mới nảy sinh. Vì vậy việc chủ động tiếp cận với thị trường du lịch thế giới, cả trong và ngoài WTO đầy tiềm năng, chỉ thực hiện được khi toàn Ngành nhận thức đây đủ và vào cuộc một cách thực sự. Sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Ngành để đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trong đó có sự ưu tiên cho hợp tác du lịch WTO, chắc chắn Du lịch Việt Nam sẽ đẩy mạnh chủ động hội nhập du lịch khu vực và thế giới, tranh thủ ngày một nhiều kinh nghiệm, công nghệ, vốn và nguồn khách, góp phần phát huy đầy đủ vai trò của một ngành kinh tế mũi nhọn và khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế./.
VÕ THỊ THẮNG Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch