Gian nan bước chân vào du lịch
Lý Mắn Mẩy (tên thân mật là Mẩy Hạnh) sinh năm 1997 tại bản Tả Phìn, thị xã Sapa. Năm 2016, Mẩy Hạnh xuống Lào Cai học tiếng Trung, vừa học, vừa làm phiên dịch cho các chủ hàng buôn bán hoa quả. Công việc chủ yếu là dịch thông tin số lượng hàng, giá tiền, hợp đồng... Mỗi ngày chỉ làm việc từ 2-3 giờ với mức thù lao 700.000 - 800.000 đồng. Thời gian còn lại, thỉnh thoảng Mẩy Hạnh nhận làm hướng dẫn viên (HDV) tiếng Trung cho công ty du lịch ở Lào Cai để dẫn khách sang biên giới, mỗi chuyến cũng kiếm được 400.000 - 500.000 đồng. Mẩy Hạnh chia sẻ: “Em thường đi theo các anh chị làm du lịch dẫn khách sang biên giới, tự học cách dẫn khách, nói chuyện, giới thiệu của các anh chị ấy, đến lúc quen rồi cũng nhận dẫn khách sang biên giới tham quan, mua sắm. Em có ngôn ngữ nên việc dẫn khách qua biên giới cũng không gặp nhiều khó khăn”.
Ở Tả Phìn, nơi Mẩy Hạnh sinh ra và lớn lên, người dân vẫn còn hủ tục trọng nam khinh nữ; người nữ không được học cao. Ác thay, đó lại là đam mê của Mẩy Hạnh. Chính vì vậy, để có được vốn tiếng Trung, Mẩy Hạnh đã phải bỏ nhà xuống tận Lào Cai để học. Cuộc sống của một cô giá trẻ sống xa nhà khá vất vả, Mẩy Hạnh càng phải cố gắng, vừa học, vừa làm việc để tích lũy kinh nghiệm và có thu nhập trang trải cuộc sống. Có lần, Mẩy Hạnh gặp sự cố khi dẫn khách từ Lào Cai lên Sapa; khách phàn nàn phòng chất lượng kém, khách sạn không hợp tác, công ty thì từ chối giúp đỡ..., đó là lần đầu tiên Mẩy Hạnh gặp sự cố nên khá hoang mang, nhưng cô đã mạnh dạn xử lý tình huống, đưa ra đề nghị đổi khách sạn cho khách. Dù khách từ chối đề nghị đổi khách sạn nhưng vẫn đánh giá cao cách ứng xử của Mẩy Hạnh. Về sau, vị khách đó trở thành khách hàng thường xuyên của Mẩy Hạnh với dịch vụ cung cấp lá thuốc người Dao. Sau sự cố ấy, Mẩy Hạnh càng nỗ lực vươn lên, xem sự vấp ngã là bài học đắt giá để trưởng thành hơn; Mẩy Hạnh càng cố gắng học hỏi nhiều kỹ năng nghiệp vụ để tăng cường kiến thức, khả năng chuyên môn của bản thân.
Năm 2019, Mẩy Hạnh lập gia đình, cuộc sống trở nên bận rộn hơn nên Mẩy Hạnh từng có suy nghĩ không theo công việc làm HDV nữa. Thế nhưng cái duyên với nghề du lịch vẫn cứ bám lấy Mẩy Hạnh khi Phòng Văn hóa thông tin thị xã Sapa tư vấn việc cộng đồng cùng đoàn kết làm du lịch. Và Mẩy Hạnh tham gia vào Hợp tác xã (HTX) Du lịch cộng đồng Tả Phìn từ đó. Tuy tuổi nhỏ, nhưng bản thân là người nhanh nhẹn, giao tiếp tốt; lại có kiến thức, từng tham gia vào hoạt động du lịch nên Mẩy Hạnh được bầu tham gia vào Ban Quản trị HTX. Bản thân Mẩy Hạnh nghĩ, nếu bà con chỉ có bán thuốc tắm, thổ cẩm thì kinh tế không khá hơn được; chỉ có làm du lịch mới có thể giúp bà con bán được nhiều hàng hóa hơn, kinh tế sẽ phát triển hơn.
Phát triển du lịch để bảo tồn văn hóa
Nhiều người nghĩ, cuộc sống đã phát triển, du lịch đã phát triển, thì không cần lưu giữ quá nhiều nền văn hóa. Tuy nhiên, Mẩy Hạnh lại không nghĩ thế. Cá nhân Mẩy Hạnh cho rằng, càng đông khách du lịch đến địa phương, càng cần bảo tồn, lưu giữ những nét văn hóa mộc mạc, đơn sơ của người bản địa. Chính là để du khách đến địa phương có cái để tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm. “Không thể để du khách đi quãng đường xa, từ chốn đô thị hiện đại đến địa phương xa xôi của đồng bào dân tộc chỉ để ăn một bữa ăn rồi về. Du khách đến Sapa khẳng định sẽ được một bữa ăn ngon hơn ở Tả Phìn nhiều lần. Nhưng du khách đến Tả Phìn sẽ được trải nghiệm, được đi cùng HDV bản địa, được tham quan các cảnh quan quanh vùng, được khám phá những nét văn hóa của đồng bào tộc, được thưởng thức những món ăn độc đáo...” – Mẩy Hạnh tâm sự.
Mẩy Hạnh cho rằng, HTX Du lịch cộng đồng Tả Phìn có một lợi thế, là cộng đồng khi tham gia vào HTX thì rất đoàn kết. Điều này khiến du khách cảm thấy được sự hài hòa, được chào đón khi đến với HTX Du lịch cộng đồng Tả Phìn. “Bản thân mình cũng vậy, khi đến du lịch ở địa điểm nào đấy, thấy mọi người lãng ra, có thể sẽ nghĩ rằng họ không chào đón mình. Nhưng khách đến HTX Du lịch cộng đồng Tả Phìn thấy mình giới thiệu với họ những điều giản dị, chào đón mộc mạc, lại rất tự nhiên, tự tin, sẽ nghĩ rằng họ giới thiệu rất thật tâm. Khi mình cho du khách trải nghiệm những điều mình đang có, họ càng đam mê hơn. Có nhiều đoàn du khách đến trải nghiệm rồi tìm hiểu thông tin của chúng em, về sau lại đưa cả gia đình, rủ thêm bạn bè cùng lên. Thậm chí họ đã gọi điện đặt trước, khi thì ít, khi thì nhiều, có khi lên đền hàng trăm khách, em đều có phương án bố trí đón tiếp, phục vụ chu đáo” – Mẩy Hạnh chia sẻ.
HTX Du lịch cộng đồng Tả Phìn ban đầu không đưa ra dịch vụ HDV. Nhưng Mẩy Hạnh đã mạnh dạn đề xuất đưa vào hoạt động dịch vụ này. Mẩy Hạnh quan niệm, nếu chỉ với thuốc tắm, thổ cẩm, thì dịch vụ cho khách trải nghiệm vẫn còn đơn điệu. Trong khi bản thân HTX Du lịch cộng đồng Tả Phìn đã có văn hóa người Dao, hoa văn thổ cẩm người Dao, những vị thuốc thảo dược riêng có... Nên cần thiết mở những chuyến tour để du khách có thể lên tận nơi trải nghiệm. Như vậy có thể giữ chân khách lâu hơn; từ đó thu nhập cũng có thể sẽ tăng lên. Nghĩ là làm, Mẩy Hạnh đã huy động một vài bạn trẻ tham gia thực hiện vài lần dẫn tour và đã thuyết phục được tập thể Ban Quản lý HTX Du lịch cộng đồng Tả Phìn chấp thuận cho phép lập một nhóm HDV do chính Mẩy Hạnh phụ trách, dẫn chính và dẫn dắt các bạn HDV trong nhóm cùng học tập. “Mỗi lần tập huấn cho các bạn, mọi người muốn thay đổi gì đó, em cũng nói luôn, đặc biệt là nét bản sắc văn hóa, hoa văn họa tiết trang phục... có ý nghĩa thế nào. Các bạn trong nhóm đam mê làm HDV, nhưng lại chưa nắm được nhiều kiến thức về văn hóa bản địa, nên hàng tuần, hàng tháng, có thời gian em đều hướng dẫn các bạn trên cơ sở thực tế, cùng các bạn đi một tuyến, chỉ cho các bạn giới thiệu cho du khách những gì, những cái nào, phong thái nói chuyện, ngôn ngữ ra sao... Trong những buổi như vậy, em sẽ chia sẻ được nhiều hơn, sinh động hơn, các bạn trong nhóm cũng dễ hiểu, dễ nắm bắt hơn” - Mẩy Hạnh cho biết. Không chỉ trong các buổi tập huấn, không chỉ với nhóm HDV, mà với du khách, nhất là các bạn trẻ, các bạn sinh viên. Bất cứ lúc nào, các bạn sinh viên, du khách có mong muốn tìm hiểu về văn hóa truyền thống của người Dao, liên hệ với Mẩy Hạnh đều được chia sẻ.
Kỳ vọng vươn xa
Sapa phát triển du lịch mạnh, nhưng đã có dấu hiệu bất ổn, nhiều khách du lịch quốc tế đến một lần là không nhận thấy sự hấp dẫn muốn quay lại.
Vậy Tả Phìn làm thế nào để khai thác cảnh sắc quê hương mình, những điều vốn có của dân tộc Dao để tạo nên sự phát triển mang tính bền vững hơn? Để hấp dẫn, để khách đến một lần rồi lần sau vẫn muốn quay lại; không những thế, còn giới thiệu cho nhiều bạn bè trên thế giới đến trải nghiệm? Đó là những điều Mẩy Hạnh luôn đau đáu. Để làm được điều đó, Mẩy Hạnh lựa chon những món ăn độc đáo, nổi bật dành cho khách quý mang đậm bản sắc của người Dao để phục vụ du khách; những món ăn đều được chế biến kết hợp với nguyên liệu là những phương thuốc, sản vật, các loại cây bản địa có tác dụng bảo vệ, tái tạo sức khỏe. Cùng với sự tư vấn của Phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Sapa, Mẩy Hạnh đã vận động HTX Du lịch cộng đồng Tả Phìn chia sẻ những bài thuốc về thư giãn sức khỏe cho du khách, biến những nét đặc trưng văn hóa của dân tộc Dao thành sản phẩm hàng hóa phục vụ du khách.
Dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch, nhưng Mẩy Hạnh vẫn tự tin theo đuổi hoạt động du lịch cộng đồng. Mẩy Hạnh tâm sự: “Khi đi làm, thu nhập cao hơn, nhưng em vẫn muốn tham gia hoạt động cộng đồng hơn là làm việc tại doanh nghiệp lữ hành. Em hy vọng, sau khi dịch COVID-19 kết thúc, Trung Quốc mở cửa, em muốn HTX Du lịch cộng đồng Tả Phìn có những kế hoạch hợp tác cụ thể hơn để liên kết với những công ty bên Trung Quốc, đón khách Trung Quốc đến trải nghiệm các dịch vụ”. Mẩy Hạnh cho rằng khách đi du lịch năm 2022 bắt đầu tăng hơn năm 2021, HTX Du lịch cộng đồng Tả Phìn đã đón những đoàn khách có nhu cầu trải nghiệm nhiều hơn; các công ty lữ hành, các phóng viên báo chí cùng về khảo sát, tìm hiểu viết bài cũng nhiều hơn sẽ tạo cơ hội cho HTX Du lịch cộng đồng Tả Phìn mở rộng hình ảnh, hoạt động. Mẩy Hạnh tự tin nói: “Sau khi tiếp xúc những đoàn doanh nghiệp, báo chí đến khảo sát, em tin và tự tin nghĩ rằng, các doanh nghiệp và anh chị phóng viên sau khi trải nghiệm dịch vụ của HTX sẽ giới thiệu thêm cho nhiều đoàn khách nữa đến với HTX Du lịch cộng đồng Tả Phìn. Như vậy, sự kết nối phục vụ nhu cầu của du khách tăng lên, thu nhập của HTX Du lịch cộng đồng Tả Phìn sẽ tăng dần từng bước, kéo theo thu nhập của em cũng tăng dần”.
Phước Hà