Theo số liệu Tổng cục thống kê công bố, trong 6 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 602.000 lượt người, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm 2021; tuy nhiên, so với 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19 – con số này giảm tới 92,9%…
Đánh giá về tình hình khách quốc tế đến Việt Nam sau thời điểm 15/3 (Việt Nam công bố mở cửa hoàn toàn các hoạt động du lịch), nhiều doanh nghiệp lữ hành quốc tế chuyên đón khách inbound cho rằng “các tín hiệu cho thấy thị trường còn rất trầm lắng”.
Theo phân tích của Giám đốc một doanh nghiệp lữ hành quốc tế, thời điểm năm 2021, hoạt động du lịch đóng băng vì đại dịch COVID-19, các đường bay quốc tế hầu như đóng toàn bộ; khách vào Việt Nam chỉ có đối tượng khách chuyên gia, công vụ và một số khách thương gia…, bởi vậy khi Việt Nam mở cửa du lịch trở lại cùng với việc khôi phục các đường bay quốc tế, nhiều tour trước đây phải “gác” vì đại dịch thì nay được “nối” lại. Bên cạnh đó, là một số lượng khách lẻ, khách tự đi theo nhóm, không đi theo tour trọn gói của các đơn vị lữ hành.
“Khi Việt Nam chuẩn bị đón khách quốc tế, các hoạt động truyền thông rất rầm rộ, điều này đã tạo nên hiệu ứng tốt, thông điệp Live fully in Vietnam được lan tỏa khá rộng rãi, thế nhưng, theo nhìn nhận của chúng tôi, dường như công tác quảng bá chưa tạo thành ‘chiến dịch’ một cách tổng thể khiến cho thông điệp ý nghĩa này ‘trầm’ xuống. Nhất là trong thời điểm các nước trong khu vực ‘mở’ tối đa, các chính sách liên tục được điều chỉnh nhằm hút khách quốc tế…”, vị này cho hay.
Một vấn đề được các doanh nghiệp lữ hành quan tâm là bên cạnh các thị trường Việt Nam đang chú trọng đẩy mạnh khai thác thì một số thị trường tiềm năng khác như Bắc Âu, Nam Mỹ sẽ có những chính sách ra sao để thu hút khách đến.
“Đến nay, Việt Nam dường như vẫn ‘án binh bất động’ đối với các thị trường xa”, Giám đốc một doanh nghiệp lữ hành nói.
Trong khi đó, ngay trong khu vực, du lịch Việt Nam cũng đang đối mặt với áp lực cạnh tranh đang ngày một gia tăng, không chỉ về giá cả mà còn nhiều vấn đề khác như tính chuyên nghiệp, chất lượng sản phẩm du lịch, tính chuyên nghiệp, nhân lực du lịch…
Trước đó, trong lần trao đổi với Tạp chí Du lịch, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học (Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN) cho rằng, trong 2 năm dịch bệnh, du lịch ngừng hoạt động, chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch liên quan tới cơ sở vật chất dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, mua sắm, vui chơi giải trí… đã bị đứt gãy do không có khách trong thời gian dài. Bởi vậy, khi du lịch được khởi động lại, doanh nghiệp không chỉ phải đối mặt với yêu cầu đầu tư để khôi phục lại cơ sở vật chất kỹ thuật mà còn phải giải bài toán liên kết lại chuỗi cung ứng, khôi phục nguồn nhân lực, và cần có khoảng thời gian nhất định mới đáp ứng được theo yêu cầu.
“Sau đại dịch, du lịch hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quay lại vạch xuất phát (nếu chỉ tính riêng về số lượng khách). Điều này có nghĩa là áp lực cạnh tranh trong cuộc chơi mới sẽ ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Do vậy, quốc gia nào có nền tảng vững chắc, có sự chuẩn bị tốt thì khả năng cạnh tranh, tốc độ bứt phá sẽ tốt hơn…”, ông Long nhận định.
Ông Từ Quý Thành, Tổng Giám đốc Liên Bang Travel cho hay, đối với du lịch inbound vào Việt Nam, nhiều thị trường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng khách quốc tế như thị trường Trung Quốc vẫn đang đóng cửa, thị trường Nga do nhiều vấn đề bất ổn (tại Nga) nên lượng khách đi du lịch còn rất ít.
Theo Tổng Giám đốc Liên Bang Travel, điều bất hợp lý trong hoạt động đón khách quốc tế là độ mở của visa điện tử còn khá hạn chế, nhiều thị trường không có khách thì mở, thị trường triển vọng thì vẫn đóng.
Ông Thành cho biết, đối với visa điện tử, du khách có thể tự đăng ký trên hệ thống, mà không cần phải đi theo chương trình của đơn vị lữ hành.
“Nhiều nước mở du lịch không giới hạn để thu hút khách đến, trong đó có du khách Việt Nam. Chúng ta có hào hứng với sự thông thoáng không? Chắc chắn là có, vậy ngược lại chúng ta có hứng thú với những gì quá chặt chẽ, phức tạp không? Chắc chắn là không! Vậy lý do gì mà ta vẫn làm rất chặt như vậy?”, ông Thành đặt câu hỏi.
Tại thời điểm này, hơn lúc nào hết, du lịch đang cần khách vào, trước hết là tạo nên sự sôi động, điều này có ý nghĩa như một cú hích, tạo động lực cho doanh nghiệp, cho ngành.
“Doanh nghiệp lữ hành đang rất ngóng đợi một chương trình hành động cấp quốc gia về xúc tiến quảng bá. Thực sự cần! không phải chỉ các doanh nghiệp cần mà các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần bởi sau thời gian gián đoạn nhiều thị trường quốc tế, giờ là lúc thích hợp để ‘hâm nóng’ lại, nhắc lại hình ảnh Du lịch Việt Nam. Mở rồi nhưng chưa gắn với bước đi cụ thể trong quảng bá. Cần phát động tổng thể, còn nếu để từng địa phương hoặc doanh nghiệp làm thì khôngthể tạo được sự cộng hưởng, tạo hiệu ứng mạnh mẽ”, ông Thành nói.
Ông Đỗ Tiến, Giám đốc TYPIC Travel chia sẻ với Tạp chí Du lịch mối lo ngại về tình hình giá cả đang “leo thang” từng ngày, đây cũng là nguyên nhân khiến cho khách du lịch “chuyển hướng”, thay vì đến Việt Nam họ sẽ tìm các điểm du lịch khác giá rẻ hơn.
“Giá vé máy bay đến Việt Nam quá cao, nhất là với VietnamAirlines, thời điểm tháng 7, tháng 8/2022, giá lên đến 2.600 – 2.800 Euro/pax khứ hồi. Cao hơn khoảng 4 lần so với thời điểm trước dịch”, ông Tiến nói và cho rằng giá cả leo thang là vấn đề rất khó với doanh nghiệp trong lúc này, mọi chi phí đều tăng khiến giá tour buộc phải đẩy lên dẫn tới việc bán tour bị hạn chế nhiều.
“Chúng tôi trông chờ vào chương trình quảng bá, xúc tiến để tìm các cơ hội thời điểm cuối năm và năm 2023, khi các vấn đề nói trên bớt căng”, Giám đốc TYPIC Travel cho biết thêm.
Viễn Nguyệt