Vào khoảng đầu thế kỉ XX, giới tư bản Pháp đã đầu tư xây dựng một nhà máy ươm tơ ở ngay đầu làng, từ đó nghề ươm tơ ở làng Cổ Chất bắt đầu phát triển. Những năm 1900, làng Cổ Chất và huyện Trực Ninh từng là vành đai nguyên liệu chính của công ty Bông Vải SợiBắc Kỳ, khoảng vài thập kỷ gần đây, Cổ Chất vẫn là nơi cung cấp tơ sợi chất lượng cho các làng dệt lụa nổi tiếng trong nước.
Từ lâu, nghề ươm tơ ở làng Cổ Chất, Nam Định đã đi vào trong câu ca:
“Nam Định có bến Đò Chè
Có tàu Ngô Khách, có nghề ươm tơ”
Từ xưa đến nay, kỹ thuật ươm tơ ở làng Cổ Chất đã nổi tiếng khắp xa gần, có lẽ sự khác biệt giữa tơ sợi làng Cổ Chất so với tơ ở vùng khác đã khiến cho nghề ươm còn trụ nổi ở vùng đất hiền hòa này. Kỹ thuật ươm tơ thủ công đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn của người thợ. Từ việc lựa chọn và phân loại kén tằm, cho đến việc đảo kén lấy mối tơ, tay thoăn thoắt mắt không rời để kéo tơ đều sợi, tạo nên những nén tơ căng chắc và óng mượt.
Trong những xưởng kéo tơ, người thợ làm việc trong màn khói bốc lên nghi ngút từ nồi nước luộc kén. Người ta đổ kén tằm vào nước và đun cho nước sôi lên rồi tiếp tục đổ cả nồi nước sôi có kén tằm trong đó vào một chậu inox để bắt đầu công đoạn kéo tơ. Vòng kéo chạy chầm chậm và từng sợi tơ vàng hoặc trắng được quấn quanh khung, kéo tơ xong người thợ phải chỉnh tơ: nhặt tạp chất, quấn cho khuôn tơ được suôn và đều, sao cho tơ được sạch sẽ. Sau đó những cuộn tơ được cuộn thành từng bó, phơi khô dưới nắng.
Những cuộn tơ sống sau khi được phơi khô, sẽ được đem đi se sợi. Tơ thành phẩm thường chia làm 3 loại: tơ tốt nhất gọi là sợi mốt, kế đến là sợi mành và cuối cùng là sợi đũi. Các thương lái đến mua ở tận làng, chuyển đi các vùng dệt lụa lân cận Hà Nội, tuy nhiên tơ Cổ Chất phần nhiều xuất khẩu ra các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc.
Các sản phẩm tơ của làng Cổ Chất tuy nổi tiếng khắp nơi bởi chất lượng tốt và độ bền đẹp nhưng ngày nay những người đã từng làm nghề và thế hệ trẻ phần vì không đủ tâm huyết để theo nghề, phần vì giá thành nguyên liệu kén ngày càng cao và khan hiếm, những ai muốn theo nghề phải vô cùng vất vả để tìm kiếm nguồn nguyên liệu lẫn thị trường.
TT