Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn điểm lại những dấu ấn nổi bật của Du lịch Việt Nam trong năm 2017, như việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TW về Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Quốc hội thông qua Luật Du lịch 2017, ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị... Năm 2017, ngành Du lịch Việt Nam kỳ vọng đạt mục tiêu đón 13 triệu lượt khách quốc tế; được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) xếp thứ 6 trong 10 quốc gia tăng trưởng khách nhanh nhất toàn cầu và đứng đầu khu vực châu Á.
Tuy nhiên, ngành Du lịch còn nhiều hạn chế và vấn đề để giải quyết. “Ngành Du lịch đã đi qua một chặng đường nhưng mới là giai đoạn ban đầu, những thành tựu đạt được còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực, với nguồn lực, tiềm năng phát triển, kỳ vọng của xã hội. Năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam cần được cải thiện, những tác động từ cơ chế chính sách mới ở phạm vi cục bộ, chưa toàn diện trong khi với đặc thù là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao thì du lịch phải được phát triển đồng bộ.” - Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh.
Có 6 vấn đề cơ bản đặt ra trong tái cơ cấu ngành Du lịch. Thứ nhất là cần cơ cấu lại nguồn lực, vốn đầu tư phát triển du lịch; thứ hai: điều chỉnh phát triển sản phẩm du lịch; thứ ba: Định hướng thị trường du lịch; Thứ tư: cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch; Thứ năm: cơ cấu lại nguồn nhân lực du lịch; Thứ sáu: cơ cấu lại về tổ chức, quản lý ngành Du lịch.
Nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến tâm huyết về cơ cấu lại ngành du lịch nước nhà. Tiến sỹ Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam cho rằng: Tái cơ cấu ngành du lịch nước nhà muốn thành công cần phải có sự đồng bộ, từ các sản phẩm du lịch, cải thiện chính sách visa, công tác quản lý điểm đến, quảng bá du lịch…
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho rằng, tái cơ cấu ngành du lịch phải triển khai đồng bộ tại tất cả các ngành liên quan như giao thông vận tải, thương mại, dịch vụ, hải quan… Tái cơ cấu ngành phải có lộ trình rõ ràng, trong đó xác định những nhiệm vụ, công tác ưu tiên để tập trung thực hiện. Trước hết, cần xác định đúng thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của địa phương để thiết kế sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp. Đây là đầu ra trong chuỗi giá trị du lịch mang lại nguồn thu trực tiếp cho ngành.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong quá trình tái cơ cấu, ngành du lịch cần phát triển theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao chất lượng khách, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và năng suất lao động. Trước mắt, ngành Du lịch cần đổi mới và đa dạng hóa phương thức xúc tiến du lịch theo mục tiêu cụ thể, ưu tiên phát triển dịch vụ du lịch phục vụ khách quốc tế… Về thị trường, cần khai thác tối đa tiềm năng các thị trường, tuy nhiên tăng thêm nỗ lực, nguồn lực thu hút khách từ các nước châu Âu. Đồng thời, rà soát các quy định pháp luật về du lịch và dịch vụ liên quan; bãi bỏ các quy định không hợp lý; cải thiện hơn quyền tự do kinh doanh du lịch, tăng mức độ an toàn và giảm chi phí kinh doanh...
HN