Chuyền đổi, mở rộng sinh kế các làng nghề truyền thống ven biển gắn với phát triển du lịch

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, các làng nghề truyền thống ven biển Bắc Bộ chủ yếu tập trung các nghề làm muối, làm nước mắm, chế biến thủy hải sản, thủ công đan cói, thêu ren, đúc đồng, múa rối nước... có thể trở thành linh hồn cho những sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc hấp dẫn. Tuy nhiên, các làng nghề đang mai một dần do quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế địa phương; vì vậy, cần cùng nhau lắng nghe, thảo luận, chia sẻ ý kiến về thực trạng, tiềm năng, thách thức và đưa ra những sáng kiến, giải pháp phát huy giá trị làng nghề trong chuyển đổi sinh kế sang phát triển du lịch, tạo nên sợi dây kết nối làng nghề truyền thống với du lịch.
Theo Viện NCPTDL, sinh kế ven biển đa dạng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng dễ tổn thương, đặc biệt là sinh kế các hộ dân. Việc chuyển đổi sinh kế và lựa chọn chiến lược sinh kế phù hợp phụ thuộc vào thay đổi tài sản sinh kế, xu hướng xã hội cũng như những chuyển biến trong chính sách, thể chế. Viện NCPTDL cũng chia sẻ thông tin về thực trạng phát triển du lịch tại các làng nghề vùng ven biển Bắc Bộ; mô hình thí điểm chuyển đổi và mở rộng sinh kế cho các làng nghề truyền thống ven biển Bắc Bộ; một số hoạt động thử nghiệm mô hình điển hình tại xã Đồng Hướng (Kim Sơn, Ninh Bình). Bên cạnh đó, Viện NCPTDL cũng đề xuất các giải pháp nhằm chuyển đổi bền vững sinh kế các làng nghề truyền thống ven biển gắn với phát triển du lịch. Về ngắn hạn, nâng cao năng lực chính quyền địa phương các cấp trong triển khai mô hình chuyển đổi sinh kế; xây dựng cơ chế hợp tác, chia sẻ lợi ích trong phát triển du lịch làng nghề; thiết lập quan hệ với các doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề; tìm hiểu nhu cầu của du khách, từ đó cải thiện mẫu sản phẩm kết hợp hoạt động du lịch; nâng cao nhận thức cộng đồng địa phương về nghề truyền thống; tạo điều kiện xây dựng cơ sở thí điểm, xây dựng quy trình làm việc phù hợp. Về lâu dài, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch làng nghề truyền thống; liên kết, xây dựng hệ thống kết nối trong định hướng phát triển du lịch làng nghề truyền thống, quản lý và triển khai hiệu quả; khuyến khích khả năng sáng tạo, nhân tố điển hình; bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề, xây dựng nếp sống văn minh.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã chia sẻ về thực trạng cũng như giải pháp chuyển đổi sinh kế du lịch làng nghề: đầu tư hạ tầng, nâng cao nhận thức; đào tạo, kết nối doanh nghiệp; bảo tồn giá trị văn hóa, phát triển du lịch cộng đồng; kết nối các làng nghề tạo nên sản phẩm du lịch bền vững; thí điểm cụ thể, chia sẻ kinh nghiệm với địa phương trước khi nhân rộng mô hình...
Sau khi nghe những ý kiến từ các chuyên gia, Phó Viện trưởng Viện NCPTDL Đỗ Thị Thanh Hoa cho biết sẽ tiếp thu và tổng hợp báo cáo TCDL tham mưu Bộ VHTTDL, từ đó đề xuất xây dựng các chính sách hỗ trợ hơn nữa cho các làng nghề chuyển đổi sinh kế, phát triển du lịch.
Thu Thảo