Theo báo cáo của TRAFFIC, từ tháng 1/2009 đến tháng 12/2017, Việt Nam đã bắt giữ 95 ngà voi thô và đã qua chế biến, với tổng trọng lượng ước tính lên tới 54.963 cân. Con số này tương đương với 5.800 – 8.400 cá thể voi bị giết hại. Tính riêng năm 2019, cơ quan chức năng đã bắt giữ được 3 vụ buôn bán trái phép ngà voi với số lượng tổng cộng gần 22 tấn ngà voi. Số lượng này tương đương với việc hơn 3 triệu cá thể voi đã bị giết.
Một nghiên cứu thực hiện năm 2016 đã chỉ ra cùng với Thái Lan, Việt Nam là quốc gia có số lượng sản phẩm mỹ nghệ ngà voi mới sản xuất được bày bán công khai cho khách mua lẻ lớn nhất thế giới. Trên thực tế, cho tới trước năm 2008, việc buôn bán, chế tác, tiêu thụ ngà voi tại Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn, manh nha nếu so sánh trên bản đồ quốc tế. Kể từ năm 2010, giới nhà giàu Trung Quốc bắt đầu tới Việt Nam du lịch, kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp buôn bán, chế tác, tiêu thụ ngà voi. Năm 2010, số lượng người Trung Quốc đến Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số du khách nước ngoài đến Việt Nam với 905.0000 lượt khách.
Vài năm trở lại đây, du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với những thành tích ấn tượng. Năm 2019, trong bối cảnh du lịch thế giới tăng trưởng chậm lại, du lịch Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn đón 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,2% so với năm 2018. Trung Quốc tiếp tục là thị trường khách quốc tế lớn nhất với 5.806.000 triệu lượt, chiếm 32,2% tổng lượng khách quốc tế. Giai đoạn 2015-2019, khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng 3,3 lần với mức tăng bình quân 34,4% mỗi năm.
Theo Báo cáo thường niên du lịch Việt Nam 2019, so sánh bình quân mức chi tiêu của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thì các thị trường xa có mức chi cao hơn bởi lưu trú dài ngày hơn. Trong đó cao nhất là Nga (1.830,10 USD; 15,33 ngày), Anh (1.715,82 USD; 14,46 ngày), Mỹ (1.570,77 USD; 12,02 ngày)... Trong số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam từ khu vực châu Á, khách Trung Quốc là thị trường khách có mức chi tiêu cao nhất với mức chi tiêu trung bình đạt 1.021,66 USD/1 người và thời gian lưu trú trung bình 6.98 ngày, cao hơn Malaysia với 942,73 USD cho 6,94 ngày, Nhật Bản với 935,24 USD cho 6,47 ngày...
Những con số nêu trên cho thấy khách Trung Quốc là thị trường khách lớn có vai trò quan trọng trong việc phát triển thị trường khách quốc tế đến Việt Nam và sẽ không có gì để bàn nếu như nghiên cứu về thực trạng buôn bán trái phép ngà voi tại thị trường Việt Nam không chỉ ra 75% người mua ngà voi và các sản phẩm được chế tác từ ngà voi là người Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc, số lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam càng lớn thì thị trường buôn bán sản phẩm ngà voi càng lớn, nguồn cầu tăng đến đâu, nguồn cung đáp ứng tới đó là quy luật chung của kinh tế thị trường. Mặc dù năm 2018, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm buôn bán, sử dụng các sản phẩm từ ngà voi, lệnh cấm này có hiệu lực ngay cả với việc mua sản phẩm từ nước ngoài mang về. Nhưng lệnh cấm này đã không cho thấy tác dụng, bởi với số lượng ít hơn 10 sản phẩm, người mua có thể đeo lên người như đồ trang sức cá nhân. Ngoài ra với việc phát triển ngành bưu chính vài năm trở lại đây, rất dễ dàng để gửi hàng qua đường bưu điện giữa các quốc gia.
Tuy nhiên không thể vì thực tế này mà ngành Du lịch Việt Nam phải bỏ qua một trong những thị trường khách quốc tế lớn nhất trên thế giới, đồng thời là thị trường chi tiêu cho du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới với 254 tỷ USD năm 2019. Bài toán khó đối với ngành du lịch chính là làm thế nào để vừa phát triển du lịch, vừa giảm thiểu được nhu cầu sử dụng, mua bán ngà voi nói riêng và động vật hoang dã (ĐVHD) nói chung đặc biệt trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang tập trung phát triển theo hướng bền vững. Để thực hiện được điều này, bên cạnh việc ban hành luật và những quy định cụ thể thực thi luật của các cơ quan chức năng thì còn cần sự chung tay của các doanh nghiệp du lịch. Cho đến nay, thực trạng các doanh nghiệp lữ hành đưa khách du lịch tới các điểm mua bán sản phẩm từ ngà voi vẫn còn diễn ra khá phổ biến, thậm chí có một lượng lớn hướng dẫn viên còn trực tiếp giới thiệu về công dụng phi lý của ngà voi để mời chào khách mua hàng nhằm hưởng phần trăm hoa hồng từ người bán. Và từ “kênh” thông tin này, tác dụng “thần thánh” của ngà voi hay những sản phẩm chế tác từ ngà voi được truyền tai nhau và lan rộng góp phần không nhỏ trong việc tăng nhu cầu sở hữu, sử dụng ngà voi.
Thực tế, tình trạng buôn bán trái phép ĐVHD và việc trở thành thị trường bán lẻ sản phẩm từ ngà voi lớn nhất thế giới đã và đang góp phần làm “mất điểm” của Việt Nam khi mà Việt Nam được xếp hạng là một trong những quốc gia có sự đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Không chỉ có vậy, tình trạng này còn trở thành mối quan ngại lớn đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của du lịch.
Việc tiêu thụ, mua bán trái phép ĐVHD và những sản phẩm được chế tác từ ĐVHD mà trong đó việc giết hại voi để lấy ngà là một ví dụ điển hình là cách nhanh nhất hủy diệt quần thể động vật trong tự nhiên, làm mất cân bằng hệ sinh thái, tổn hại đến đa dạng sinh học và hệ lụy tất yếu dẫn tới mất đi toàn bộ hoặc một phần các điểm du lịch sinh thái quan trọng. Rộng hơn nữa còn tác động về mặt xã hội như gia tăng các hành vi phạm pháp, làm suy giảm uy tín, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định quan điểm “phát du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc”. Đồng thời cũng nêu rõ mục tiêu: “Tài nguyên du lịch được khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả; các khu du lịch, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, cung cấp dịch vụ du lịch phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; môi trường sinh thái và đa dạng sinh học được bảo vệ và gìn giữ...”. Và xác định các thị trường khách quốc tế trong đó có việc tập trung vào thị trường gần, thị trường truyền thông có mức tăng trưởng cao về số lượng như Trung Quốc.
Để hiện thực hóa được mục tiêu này, đồng thời bảo vệ được môi trường sinh thái, duy trì đa dạng sinh học, vươn lên trong bảng xếp hạng của thế giới rất cần sự góp sức của các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt các doanh nghiệp tập trung khai thác thị trường khách Trung Quốc. Thông qua việc ngừng giới thiệu về công dụng/tác dụng không có thật của ngà voi, ngừng việc đưa khách đến các cơ sở buôn/bán, chế tác sản phẩm từ ngà voi và rộng hơn nữa là tuyên truyền về mối nguy hại tới hệ sinh thái toàn cầu khi khách du lịch vô tình tiếp tay cho những kẻ săn bán giết hại ĐVHD các doanh nghiệp du lịch đã chung tay bảo vệ hàng chục nghìn cá thể voi bị giết hại mỗi năm. Bên cạnh đó, hành động, việc làm này cũng đồng nghĩa với việc chung tay cùng ngành du lịch phát triển du lịch Việt Nam bền vững. Mỗi cán bộ trong ngành du lịch, mỗi doanh nghiệp du lịch, lữ hành và cá nhân mỗi hướng dẫn viên – những người trực tiếp giới thiệu văn hóa, tài nguyên của Việt Nam đến khách du lịch hãy trở thành đại sứ văn hóa – hòa bình, truyền đi thông điệp “ngừng tiêu thụ sản phẩm từ ngà voi”. Chỉ một hành động nhỏ, một việc làm nhỏ của mỗi cá nhân cũng đủ để tạo thành một cơn bão lớn, đủ sức lan tỏa để bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu.
Nguyễn Lan Hương