Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng COVID-19. Toàn bộ số tiền do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện sẽ được tập trung đầy đủ, kịp thời về Quỹ vaccine phòng COVID-19 và được sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật. Dự kiến Việt Nam cần mua 150 triệu liều vaccine tiêm cho 75 triệu người dân. Tổng kinh phí khoảng 25.200 tỷ đồng.
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ 21-28/5 đã có 19 tập đoàn, các đơn vị khối ngân hàng, các tổng công ty, công ty, doanh nghiệp hỗ trợ tài chính cho Quỹ vaccine. Tổng số tiền gồm 470 tỷ đồng, một triệu USD và 5 triệu liều vaccine COVID-19. Trong đó, các ngân hàng Vietcombank, HDBank, Vietinbank, BIDV, Agribank, các tập đoàn Vingroup, Sovico Group cũng vừa đóng góp 160 tỷ đồng và bốn triệu liều vaccine cho chương trình vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, đây mới chỉ là nguồn thống kê các khoản hỗ trợ thông qua Bộ Y tế, hiện còn các nguồn khác thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hay các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân vẫn đang được chuyển về Quỹ và sẽ có con số thống kê cụ thể trong vài ngày tới.
Các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhận cũng cam kết nỗ lực ủng hộ ở mức cao nhất có thể cho Quỹ vaccine phòng COVID-19; đồng thời, sẽ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động khác phục vụ công tác phòng, chống dịch của Chính phủ, cũng như các địa phương trong cả nước.
Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, việc Chính phủ thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 để huy động thêm nguồn lực là chủ trương đúng đắn và hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay, nhất là trong điều kiện ngân sách Nhà nước khó khăn. “Nhân dân ta có truyền thống đoàn kết, chung sức đồng lòng ở mọi giai đoạn của lịch sử dân tộc. Tôi tin tưởng mọi người dân sẽ tích cực hưởng ứng đóng góp để Quỹ Vaccine phòng COVID-19 được triển khai nhanh chóng”, bà Ánh bày tỏ.
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, trong tổng số tiền hơn 2.077 tỷ đồng ủng hộ của người dân và doanh nghiệp để mua vaccine cho nhân dân trên địa bàn đợt này, thành phố sẽ dành 510 tỷ đồng chia sẻ với cả nước chuyển về Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Cũng theo Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, hưởng ứng đợt phát động vừa qua đã có rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm đã rất chủ động, nhiệt tình đóng góp ủng hộ cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Sun Group đã tài trợ trang thiết bị lắp đặt hoàn chỉnh cho một Trung tâm Hồi sức tích cực với quy mô 100 giường bệnh đa năng tại Bệnh viện Tâm thần (xã Song Mai, TP. Bắc Giang, Bắc Giang). Trung tâm này sẽ được trang bị các loại máy móc, trang thiết bị hồi sức tích cực hiện đại nhất hiện nay như: bộ điều phối khí oxy trung tâm, máy nén khí, máy sấy khí, máy X-quang di động kỹ thuật số, máy hút dịch liên tục áp lực thấp… Tính đến nay, chưa kể hai bệnh viện dã chiến tại Đà Nẵng và Hải Dương, tổng chi phí tập đoàn này đã ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương trên cả nước là gần 90 tỷ đồng.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về việc quyên góp ủng hộ Quỹ vaccine, VnExpress khởi động giải chạy ảo "Run for Vaccine" với thông điệp "Những bước chân đoàn kết". Theo đó, mỗi lượt đăng ký tham gia có mức phí 100.000 đồng. Toàn bộ số tiền bán vé sẽ được đóng góp vào Quỹ vaccine, chung tay cùng Bộ Y tế và Chính phủ trong công cuộc kiểm soát COVID-19. Thời gian đăng ký tham gia là 45 ngày, kết thúc vào 18/7.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện nay nhu cầu vắc xin trên toàn cầu rất lớn, Việt Nam đang nỗ lực tiếp cận các nguồn vắc xin phòng COVID-19 để có thể tăng độ bao phủ tiêm chủng cho người dân Việt Nam sớm nhất và nhanh nhất. Tuy nhiên, do Việt Nam là nước triển khai các biện pháp chống dịch hiệu quả, kiểm soát dịch tốt nên việc cung ứng vắc xin của các nước cho Việt Nam vẫn theo lộ trình, kế hoạch mà các nhà sản xuất, phân phối đã đưa ra.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng thông tin, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục chủ ��ộng đàm phán với phía Nga để có vắc xin sớm nhất phục vụ nhu cầu tiêm chủng của nhân dân. Nga đã đồng ý cung ứng cho Việt Nam 20 triệu liều vắc xin trong năm 2021.
Trong khi nguồn vaccine COVID-19 nhập về còn nhiều hạn chế và vô cùng khó khăn, Bộ luôn ủng hộ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng tham gia xã hội hóa vaccine trong việc tìm nguồn, nhập vaccine. Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ các thủ tục cần thiết như thủ tục nhập khẩu vaccine nhanh nhất nhưng đảm bảo tuân thủ theo quy định của Việt Nam, cũng như chịu trách nhiệm về kiểm định chất lượng với vaccine COVID-19 nhập về Việt Nam.
Trong thời gian này, các tổ chức và cá nhân vẫn có thể tiếp tục đóng góp thông qua Mặt trận Tổ quốc hoặc Bộ Y tế, sau đó, các cơ quan sẽ phối hợp để chuyển các khoản đóng góp đó về Quỹ. Đồng thời, các cá nhân ủng hộ có thể chuyển tiền vào tài khoản tiếp nhận của Quỹ.
Bộ Tài chính đã thông báo công khai rộng rãi thông tin tài khoản tiếp nhận để các tổ chức, cá nhân thuận tiện ủng hộ gồm:
- Tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước: Tên tài khoản: Quỹ Vaccine phòng Covid-19, số hiệu tài khoản: 3761.0.9098866.91999 (VND); 3761.0.9098869.91999 (USD) và 3761.0.9098786.91999 (EUR)
- Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Hà Nội: Tên tài khoản: Quỹ Vaccine phòng COVID-19, số hiệu tài khoản: 21110009116868 (VND); 21110371116868 (USD) và 21110142996868 (EUR).
Bộ Tài chính khẳng định, toàn bộ số tiền do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện sẽ được tập trung đầy đủ, kịp thời về Quỹ Vaccine phòng COVID-19 và được sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật.
|
Lan Phương
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ