Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, công tác phòng, chống dịch trong hoạt động du lịch nói chung và tại các điểm đến ở Thủ đô nói riêng ngày càng được nâng cao. Từ 0h ngày 16/2 các điểm di tích, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng, quán ăn vỉa hè… chấp hành việc tạm dừng hoạt động. Trưởng Ban Quản lý di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò Hà Nội Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết: Sau khi có chỉ đạo của UBND thành phố, đơn vị đã nghiêm túc dừng các hoạt động đón khách. Ngay ở khu vực cổng chúng tôi đã dán thông báo để du khách cùng chia sẻ, chung tay phòng, chống dịch. Trong thời gian tạm đóng cửa, chúng tôi tiến hành vệ sinh, phun khử khuẩn, tổng vệ sinh di tích, lau cồn sát khuẩn các bề mặt tiếp xúc tại các phòng trưng bày. Góp ý để đội ngũ thuyết minh nâng cao chất lượng phục vụ khách khi đến khám phá tour đêm thiêng liêng 2 “Sống như những đóa hoa”. Đồng thời, chuẩn bị nội dung cho các chuyên đề trưng bày mới, xây dựng kịch bản cho đêm thiêng liêng 3: “Lửa thanh xuân”, chuẩn bị nội dung khai mạc trưng bày “Một thời sôi nổi” kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; chuẩn bị các điều kiện mở cửa trở lại để phục vụ du khách một cách tốt nhất.
Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho hay: Thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của lãnh đạo TP. Hà Nội, Trung tâm tạm dừng đóng cửa đón khách tham quan di tích; cho cán bộ, nhân viên tập trung dọn dẹp, chỉnh trang, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch tại di tích. Bên cạnh đó, tranh thủ thời gian đón khách, Trung tâm tập trung toàn lực cho việc nghiên cứu, trưng bày Trường Quốc Tử Giám, phục dựng các sinh hoạt tại trường, dự kiến ra mắt công chúng vào cuối năm 2021; tiếp tục ứng dụng công nghệ để số hóa 3D hệ thống bia Tiến sỹ tại đây nhằm vừa nâng cao hiệu quả lưu trữ, vừa phát huy rộng rãi giá trị của di tích đối với du khách gần xa.
Theo Trưởng phòng hướng dẫn - thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long, Hà Nội Nguyễn Thị Yến: Bên cạnh việc thường xuyên đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch, khuyến cáo du khách không đến di tích trong thời gian đóng cửa. Trung tâm đang tập trung nghiên cứu chuyên sâu các nghi lễ, nghi thức cung đình để phục vụ khách tham quan, hoàn thiện việc xây dựng sản phẩm tour du lịch đêm để ra mắt du khách trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, các hoạt động tập huấn cho đội ngũ hướng dẫn viên, cải tạo cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch… được tăng cường. “Trước khi dịch bùng phát, Trung tâm đã bố trí đặt máy đo thân nhiệt tự động, bình sát khuẩn tự động, thực hiện khai báo thông tin cá nhân, tuyên truyền khách thực hiện 5K ngay tại cổng vào di tích 19C Hoàng Diệu, sắp tới tại cổng vào Khu Di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu cũng sẽ đặt máy đo thân nhiệt. Cả hai nơi này sẽ áp dụng đầy đủ các yêu cầu về phòng, chống dịch, nhằm đảm bảo an toàn cho du khách đến tham quan sau khi di tích mở cửa đón khách trở lại” - bà Yến cho hay.
Cùng với các điểm đến trên, tại các điểm đến ở các quận nội thành Hà Nội như Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ hay tại các di tích ở khu vực phố cổ, các ngôi chùa cổ nổi tiếng ở Thủ đô như: đền Ngọc Sơn, chùa Quán Sứ, chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, Tứ trấn Thăng Long… đều thực hiện nghiêm việc đóng cửa, dừng đón khách tham quan, tăng cường công tác vệ sinh, phun thuốc khử khuẩn quanh khu vực điểm đến. Đồng thời, ở các điểm đến này đang chuẩn bị nội dung trưng bày, tuyên truyền để đón khách, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà cho hay: Trong thời gian này, Bảo tàng triển khai thực hiện nội dung trưng bày bảo tàng, hoàn thiện nội dung thiết kế thi công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói thầu theo hình thức cuốn chiếu, bảo đảm tiến độ cũng như chất lượng thi công. Đồng thời, bảo tàng cũng chú trọng công tác khử khuẩn quanh bảo tàng, yêu cầu cán bộ, nhân viên thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Theo Phó Trưởng Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan: Các di tích trong khu vực phố cổ đều đóng cửa, dừng đón khách tham quan theo chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, tại các di tích đều thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch. Hiện nay, cán bộ, nhân viên của ban đang tích cực nghiên cứu, chuẩn bị các nội dung trưng bày, triển lãm ảnh, giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của phố cổ cũng như của Thăng Long - Hà Nội, giới thiệu sản phẩm các làng nghề truyền thống gắn với tên gọi các phố cổ, chào mừng các ngày lễ lớn của ��ất nước trong năm 2021.
Tại các điểm đến, di tích, làng cổ ở khu vực ngoại thành Hà Nội, công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng luôn được chú trọng, tăng cường công tác khử khuẩn, vệ sinh môi trường, sát khuẩn, đeo khẩu trang. Để chuẩn bị đón khách khi dịch được khống chế, Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây tập trung nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bổ sung sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương để giới thiệu cho du khách. Nổi bật tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây cũng đang tập trung khai thác thế mạnh, giới thiệu để thu hút khách đến khám phá không gian xanh, sạch, đẹp, hệ động thực vật phong phú, nét văn hóa độc đáo của cộng đồng 54 dân tộc anh em tại “Ngôi nhà chung”. Đến đây, du khách được chiêm ngưỡng cảnh quan, kiến trúc độc đáo của cộng đồng các dân tộc, trải nghiệm nét ẩm thực độc đáo với những món ăn đặc sắc cùng sự tinh xảo, nét đẹp của sản phẩm nghề thủ công truyền thống và cùng tham gia nhiều hoạt động dân ca, dân vũ, âm nhạc, diễn xướng…
Bài và ảnh: Tuấn Hải