Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông chủ yếu là những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp với một hệ sinh thái động thực vật vô cùng đa dạng và phong phú. Không chỉ có vậy, Pù Luông còn mang tới cho du khách cơ hội được tìm hiểu những nét văn hóa, phong tục tập quán đặc sắc của bà con dân tộc Mường,Thái hiện đang sinh sống tại đây.
Đến với Pù Luông, du khách sẽ được tham quan các bản du lịch cộng đồng của đồng bào Thái như: Bản Đôn, Bản Hiêu, Bản Hang, Bản Kho Mường với cảnh quan nguyên sơ cùng những ngôi nhà sàn ẩn trong khói lam chiều; du khách sẽ được chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang chín vàng trải dài trên các triền núi và đắm mình dưới thác Hiêu trong xanh giữa đại ngàn hùng vĩ.
Hành trình được du khách yêu thích nhất khi tới Pù Luông là đi bộ xuyên qua vùng lõi khu bảo tồn, cắm trại ngủ qua đêm ở các bản, làng, tận hưởng vẻ đẹp thanh bình của dòng suối Chăm chảy giữa thung lũng; hoặc tham gia các hoạt động như đạp xe trên các cung đường mòn, đi bè mảng trên sông, chèo thuyền kayak trên suối; trekking qua các bản làng truyền thống và ruộng bậc thang, tham quan khu guồng nước khổng lồ, thác nước tự nhiên, hang động kì vĩ và rất nhiều khung cảnh hùng vĩ, nên thơ.
Nếu bạn có dịp tới đây vào thứ năm hay chủ nhật hàng tuần thi nhất định bạn phải tham gia phiên chợ Phố Đoàn có từ thời Pháp thuộc, tại xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Đây là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán những sản vật của người dân tộc Kinh, Mường, Thái ở các xã quanh vùng. Chợ phiên không chỉ là nét văn hóa, đời sống sinh hoạt đặc sắc của đồng bào các dân tộc, mà còn trở thành điểm du lịch khám phá hấp dẫn của huyện Bá Thước.
Khoảng tháng 6 và tháng 10 hàng năm là thời điểm tuyệt vời nhất để đến thăm Pù Luông khi lúa đã chín rộ trên các thửa ruộng bậc thang bên sườn đồi, điểm tô cho thảm xanh Pù Luông nét trù phú, yên bình và thơ mộng. Ngoài ra, du khách có thể đến đây vào bất cứ mùa nào trong năm để thư giãn cùng không khí trong lành, mát mẻ, quanh năm sương mù bao phủ ở các bản vùng cao.
Thảo Anh