Sự kiện trọng đại của đất nước
Sự kiện trọng đại của đất nước
Thứ sáu, 06/04/2007 | 10:04 GMT+7
Cử tri là người quyết định tối thượng chất lượng và cơ cấu Quốc hội. Với dân trí không ngừng nâng cao, trong không khí xã hội ngày càng cởi mở, dân chủ ngày càng thực chất, cuộc bầu cử Quốc hôị nhiệm kỳ XII sẽ thành công đúng như ước vọng của tám mươi triệu đồng bào.
Từ ngày thành lập chế độ cộng hòa, nước ta đã qua 11 kỳ bầu cử Quốc hội. Mỗi nhiệm kỳ Quốc hội có trong bối cảnh lịch sử nhất định, không thể nói kỳ bầu cử nào mang ý nghĩa trọng đại hơn kỳ nào. Đương nhiên, ngày 6-1-1946, ngày nhân dân Việt Nam lần đầu tiên thực hiện quyền phổ thông đầu phiếu sau những năm dài đen tối không được hưởng chút quyền tự do cơ bản nào, Quốc hội do dân bầu ra thông qua Hiến pháp đầu tiên của đất nước, thành lập Chính phủ chính thức đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, nhất trí quyết sách toàn dân kháng chiến chống ngoại xâm, kỳ bầu cử ấy là mốc vàng chói lọi trong lịch sử nhiều ngàn năm của dân tộc. Quốc hội khóa VI được bầu ra khi nước nhà thống nhất, quyết định đổi quốc hiệu thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ghi vào lịch sử một mốc son khác. Quốc hội khóa VIII nhất trí cao con đường đổi mới toàn diện do Đại hội lần thứ VI của Đảng đề xuất, dẫn tới những thành tựu làm nức lòng người. Kỳ bầu cử Quốc hội khóa XII này diễn ra trong bối cảnh nước ta vừa có hơn mười năm phát triển liên tục với nhịp độ tăng trưởng cao, Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), đã kiến lập quan hệ bình thường đầy đủ với tất cả các cường quốc và tuyệt đại đa số các quốc gia trên thế giới... lại là một sự kiện cực kỳ trọng đại. Dù sao vẫn có thể cầm chắc, trong quá trình thăng hoa của dân tộc sau đà cất cánh ngoạn mục hôm nay, lịch sử sẽ chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại khác nữa, do đó mỗi nhiệm kỳ Quốc hội đều mang ý nghĩa riêng, bởi dân tộc ta trường tồn trong độc lập, tự do, hạnh phúc.
Sức sống dân tộc Việt Nam biểu hiện suốt sáu thập niên qua trong điều kiện chiến tranh kéo dài chen những thời kỳ hòa bình chưa bao giờ trọn vẹn, đối mặt mấy cường quốc trong bối cảnh quốc tế biến động khó lường, là chặng đường tiến triển quang vinh, đầy thử thách, hy sinh và thành công kỳ diệu, cho dù không phải lúc nào thăng tiến cũng thẳng tắp. Nền dân chủ non trẻ dưới sự lãnh đạo của Đảng qua sáu thập niên gập ghềnh mà kiên định do đó không thể là nẻo đường rợp bóng mát và thuận đà. Hơn nữa, dân chủ là một phạm trù động, với nội hàm đa dạng và luôn tăng thêm theo ước vọng của nhân lọai vươn tới một thế giới tốt đẹp và trong lành, ở đó mọi dân tộc với bản sắc riêng của mình sống thuận hòa trong tôn trọng lẫn nhau, nương tựa vào nhau để cùng phát triển, không ai mưu đồ chèn ép, lấn lướt, nói gì hủy diệt ai. Có thể khẳng định trên thế giới đa dạng, đa chiều ngày nay, chưa có một nền dân chủ nào có thể làm mẫu mực cho mọi xã hội; chế độ bầu cử từng quốc gia được mặt này thì kém mặt khác. Không có gì đáng lấy làm lạ nếu nền dân chủ của Tổ quốc ta còn chứa đựng bất cập, khiếm khuyết mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cố gắng nhận chân để cải tiến. Ngày nay, thái độ trì trệ, tự mãn, bảo thủ đúng là vật cản nguy hại trên con đường tăng tiến, nhất thiết phải được vượt qua. Nhưng, sẽ sai lầm nghiêm trọng nếu nhìn thực tại chỉ thấy toàn non kém, từ đó muốn phủ định sạch trơn, “xóa tất tần tật để làm lại” như một số ít người nào đó suy nghĩ - dù cho suy nghĩ của họ xuất phát từ căn nguyên nào, bị lóa mắt trước ảo ảnh ngoại lai hoặc tệ hại hơn, cố ý hay vô tình chịu tác động ngầm không trong sáng.
Ước vọng cao cả của toàn thể nhân dân ta từ Bắc chí Nam là qua phổ thông bầu cử, dân chủ lựa chọn bầu ra một Quốc hội tiêu biểu khối đại đoàn kết dân tộc theo đường lối của Đảng, “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” (điều 4 Hiến pháp). Một Quốc hội gồm những đại biểu không phân biệt thành phần, địa phương, sắc tộc, tôn giáo, nam nữ, trẻ già, mỗi người một vẻ nhưng cùng điểm chung là có năng lực, kiến thức, trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức, hội đủ tài và đức, và trước hết, có cái tâm hết mình vì đất nước. Quốc hội có chức năng lập hiến và lập pháp; quyết định những chính sách cơ bản về đối nội, đối ngoại, về tổ chức, hoạt động bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ công việc của Nhà nước. Đại biểu Quốc hội đương nhiên phải có kiến thức và năng lực pháp luật thực tiễn, song Quốc hội của ta không thể là tổ chức tập hợp những chuyên gia khép cửa phòng văn để làm luật, mà trước hết, “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân” (điều 83 Hiến pháp).
Để đạt được những yêu cầu trên, trong hoàn cảnh hiện nay, chưa có phương sách nào tốt hơn tiến hành hiệp thương, quyết định danh sách ứng viên hội đủ các điều kiện trước khi người dân thực hiện có cân nhắc và thực sự dân chủ quyền trọng đại của mình qua sử dụng lá phiếu bầu. Nhiều mặt tồn tại từng xảy ra ở các kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân trước, về cơ bản không ở chế độ hiệp thương mà ở cung cách tiến hành khâu ấy. Ưu thế tuyệt vời của phổ thông đầu phiếu chỉ có thể phát huy đầy đủ nếu mọi cử tri thật sự ý thức trách nhiệm cao cả của mình khi cầm lá phiếu trên tay và quyết định bầu cho ai, mà muốn đi đến quyết định đúng, nhất thiết cử tri phải thông hiểu quyền và nghĩa vụ công dân, được cung cấp đủ thông tin về các ứng viên để cân nhắc trong tự do. Trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và chính quyền, của mọi tổ chức chính trị, xã hội trong việc lãnh đạo, hướng dẫn bầu cử thể hiện tập trung ở mấy khâu này.
Cử tri là người quyết định tối thượng chất lượng và cơ cấu Quốc hội. Với dân trí không ngừng nâng cao, trong không khí xã hội ngày càng cởi mở, dân chủ ngày càng thực chất, cuộc bầu cử Quốc hôị nhiệm kỳ XII sẽ thành công đúng như ước vọng của tám mươi triệu đồng bào.
PHAN QUANG