Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, chùa được xây dựng vào năm 1057 nhưng theo các tư liệu cổ và truyền thuyết dân gian, chùa Phật Tích có từ cuối thế kỷ thứ 3. Dưới thời Lý, chùa Phật Tích được coi là quốc tự, đại danh lam, trung tâm Phật giáo. Sang thời Trần, Phật Tích tiếp tục là đại danh lam thắng cảnh; các vua Trần thường tới đây thăm thú, lễ Phật, dự hội, đề thơ và từng tổ chức cuộc thi “Thái học sinh” tại đây...
Những nét độc đáo của ngôi chùa thể hiện ở địa thế xây dựng, nền móng kiến trúc, các tác phẩm điêu khắc đá và những giá trị lịch sử văn hóa lâu đời. Tuy đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, phần lớn ngôi chùa bị phá hủy nhưng đến nay vẫn còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị tiêu biểu như: tượng Phật A Di Đà, hàng linh thú trước sân chùa, gần 40 bảo tháp…
Tiêu biểu nhất là pho tượng Phật A Di Ðà đã có 1.000 năm tuổi nhưng vẻ đẹp đã vượt thời gian và không gian ở nhiều phương diện như: triết lý của Phật pháp, tạo hình, chất liệu, đường nét, hoa văn trang trí… Pho tượng Phật A Di Ðà được làm từ đá xanh nguyên khối, trong tư thế ngồi thiền tĩnh tọa trên tòa sen; toàn bộ thân hình và khuôn mặt của tượng toát lên vẻ đẹp thánh thiện, từ bi, hỷ xả. Đây là tượng phật bằng đá thời nhà Lý lớn nhất Việt Nam, với những giá trị nghệ thuật và phong cách đặc trưng của mỹ thuật thời Lý.
Ngoài ra, chùa còn sở hữu các tác phẩm điêu khắc có giá trị khác như tượng mình người đầu chim đang vỗ trống được tạc bằng đá xanh; các chân cột bằng đá; hàng linh thú mười con trước sân chùa gồm 5 đôi: sấu, ngựa, trâu, voi, sư tử... Sau chùa có vườn tháp cổ gồm gần 40 bảo tháp xây bằng đá. Đó là nơi cất giữ xá lị của những vị sư có công sức xây dựng chùa. Phần lớn các tháp còn rõ được tên và năm xây dựng, trên một số văn bia vẫn còn đọc được thông tin về các thiền sư được an trong tháp.
Chùa Phật Tích ngày nay đã được tu bổ tương đối tốt. Nhiều hạng mục công trình đã được xây dựng mới, như tượng Đại Phật thành, nhà tiền đường, hậu đường, Thiền đường, thư viện, nhà khách, nhà tạo soạn… Một số tháp đã được tu sửa; ao rồng, giếng Ngọc đã được khơi vét tu sửa; hội Khán hoa ngày 4 tháng giêng tiếp tục được tổ chức. Đặc biệt, tượng nhục thân Chuyết Công đã được phục chế, bảo quản trong khám kính với sự trợ giúp của công nghệ hiện đại; nhiều di vật thời Lý có giá trị văn hóa lịch sử trong khu vực chùa đã được tìm thấy và bảo quản, trưng bày, góp phần minh chứng cho sự cường thịnh về mọi mặt của vương triều Lý.
HN