Chủ tịch Quốc hội: Đâu đó trong tư duy, nhận thức và hành động vẫn chưa coi du lịch là một ngành kinh tế
Chiều 2/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với các thành viên Câu lạc bộ Kinh tế, Văn hóa và Du lịch và lãnh đạo 6 tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc.
Cần có cơ chế tạo thuận lợi loại hình du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa đồng đội”
Tại cuộc gặp mặt, các thành viên Câu lạc bộ đã chia sẻ những câu chuyện sinh động về phát triển du lịch, chính sách phát triển du lịch và nêu một số đề xuất cụ thể về cơ chế, chính sách phát triển du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương cho biết, các khu di tích lịch sử là những “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Thực tế, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã có sự quan tâm, tôn tạo các di tích. Tiềm năng du lịch về lịch sử là rất lớn. Tuy nhiên, sự quan tâm đầu tư, chú trọng khai thác du lịch lịch sử, du lịch về nguồn, du lịch hoài niệm chưa được tương xứng.
Do đó, các tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc đều mong Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm đầu tư hơn nữa vào việc bảo tồn các khu di tích lịch sử, các chiến trường xưa; có cơ chế chính sách khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào các khu di tích này.
Từ thực tế tổ chức loại hình du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa đồng đội”, Thiếu tướng Phan Khắc Hải, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin cho rằng, nếu có hình thức giáo dục tốt về lịch sử thì nhất định giới trẻ sẽ hiểu được lịch sử, tự hào về truyền thống dân tộc để từ đó khơi dậy niềm tự hào, tinh thần trách nhiệm và khát vọng phát triển đất nước hùng cường trong tương lai.
“Chúng tôi mong các cháu được đến tận nơi để nghe, để học về truyền thống yêu nước, anh hùng của dân tộc. Không có gì gây xúc động bằng trực quan, các cháu được nghe chính những người đã từng trực tiếp tham gia chiến đấu nói về chiến trường ngày xưa để có được cuộc sống hôm nay”. Nhấn mạnh điều này, Thiếu tướng Phan Khắc Hải mong muốn Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc biệt tạo thuận lợi cho sự phát triển của loại hình du lịch này, đưa các hoạt động du lịch về với chiến trường xưa, về với các khu di tích lịch sử... vào nhà trường.
Quan trọng nhất vẫn phải là tư duy, tầm nhìn
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đại dịch Covid-19 đã gây ra những tổn thất rất nặng nề nhưng cũng là dịp để nhìn nhận lại và có quyết tâm cao hơn nữa trong việc tái cơ cấu căn bản, toàn diện ngành du lịch theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Luật Du lịch năm 2017.
Theo Chủ tịch Quốc hội, lần này phải tái cơ cấu toàn diện cả về môi trường du lịch; hạ tầng du lịch, bao gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, trong đó hạ tầng mềm là khuôn khổ cơ chế, chính sách; doanh nghiệp du lịch và sản phẩm du lịch trên cơ sở phải đổi mới căn bản tư duy, nhận thức về du lịch.
“Từ nhận thức du lịch với vai trò là một hoạt động vui chơi, giải trí trước đây đến nhận thức du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, mang đậm giá trị văn hoá, mang tính liên kết ngành, vùng đến tư duy phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn như Bộ Chính trị đã khẳng định tại Nghị quyết 08 là một bước tiến rất dài. Đây là Nghị quyết có tính đột phá” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đồng thời, ông cũng cho rằng, đâu đó trong tư duy, nhận thức và hành động của chúng ta vẫn chưa coi du lịch là một ngành kinh tế, chưa ứng xử với nó như một ngành kinh tế mũi nhọn nên hạ tầng du lịch, doanh nghiệp du lịch và sản phẩm du lịch vẫn là vấn đề phải tập trung trong thời gian tới.
Chia sẻ những cách làm du lịch rất độc đáo và hiệu quả của một số nước trên thế giới, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm: "Quan trọng nhất vẫn phải là tư duy, tầm nhìn, là cách làm du lịch và sản phẩm du lịch như thế nào".
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, trên cơ sở kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng và Nhà nước đã giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xây dựng một chương trình mục tiêu về phát triển văn hoá, trong đó có nội dung bảo tồn, phát huy giá trị các di tích... Trong hơn 1 năm qua, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục đã tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo về du lịch và đưa ra nhiều kiến nghị để hỗ trợ, phục hồi và thúc đẩy ngành du lịch phát triển./.
Câu lạc bộ Kinh tế Văn hóa và Du lịch thuộc Viện Kinh tế Văn hóa là tổ chức tập hợp các chuyên gia, lãnh đạo và cán bộ quản lý cao cấp về văn hóa và du lịch Việt Nam qua các thời kỳ, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, cán bộ ngoại giao, cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế, văn hóa ở Trung ương và địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhiệm vụ chính của Câu lạc bộ là thiết lập nhịp cầu giao lưu và thông tin kinh tế - văn hóa, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các giới chức Việt Nam với nước ngoài vì tình hữu nghị và phát triển; tổ chức hoạt động, hợp tác, liên kết, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch, đạo đức – trách nhiệm xã hội...
|
Nguồn: bvhttdl.gov.vn