Tại Việt Nam, không chỉ dân tộc Kinh mà còn có một vài dân tộc khác cũng tạo ra chữ Nôm để lưu giữ ngôn ngữ của họ như người Tày, Dao, Ngạn… Trong số đó, đặc sắc và tinh tế phải kể đến chữ Nôm của người Tày.
Là dân tộc có số người đông thứ hai chỉ xếp sau người Kinh ở Việt Nam, người Tày đã sớm sáng tạo, tìm tòi ra chữ Nôm cho riêng dân tộc mình để lưu lại những câu chuyện lịch sử, bài văn , bài thơ, tập tục truyền thống hay những nét văn hóa truyền thống của cha ông.
Chữ Nôm của các dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Ngạn về cơ bản có cách kết cấu tương đối giống nhau, ghép theo phương pháp Lục thư của chữ Hán, là các cách: tượng hình, tượng thanh, hội ý, giả tá, chuyển chú, chỉ sự. Nhưng chữ Nôm mang nặng tính tượng thanh, ít dùng tượng hình. Các loại chữ Nôm tính định hình chuẩn thấp hơn chữ Hán. Vì là chữ của các tộc người chưa được các chính quyền phong kiến chú ý, tu chỉnh chuẩn hóa như chữ Hán, nên các loại chữ Nôm đều không thể dùng làm Quốc ngữ..
Trong ngôn ngữ của người Tày, chữ Nôm có phần uyển chuyển, giàu và đẹp hơn, điều đó đã khiến cho lời ăn tiếng nói của người Tày trở nên hết sức phong phú, tinh tế và khái quát. Số lượng đơn vị ngữ âm đa đạng đã tạo ra các từ ngữ diễn đạt mọi khía cạnh của đời sống vật chất và tinh thần bên cạnh vốn từ vay mượn từ tiếng Hán và tiếng Việt. Vốn ngôn ngữ phong phú đó đã trở thành phương tiện lưu truyền một kho tàng văn học dân gian bao gồm: truyện cổ tích, thần thoại và vốn thi ca cổ truyền trong đó có dân ca trữ tình, thơ ca đám cưới, hát ru, văn cúng bái, văn than... Hầu hết nội dung chủ yếu của những câu chuyện, bài văn, bài ca cổ là để giải thích vũ trụ, nguồn gốc loài người, nguồn gốc các dân tộc, nêu lên lòng chính nghĩa, ghét gian tà, tinh thần đấu tranh chống lực lượng siêu nhiên thần kỳ, chống cường quyền ác bá, đấu tranh để giữ trọn vẹn mối tình chung thủy lứa đôi, bạn bè, đấu tranh chống ngoại xâm, truyền thống đoàn kết dân tộc…
Việc sáng tạo ra chữ Nôm của dân tộc Tày đã góp phần giữ gìn, duy trì bản sắc văn hóa của dân tộc và đồng thời có thể giới thiệu kho tàng văn hóa đặc sắc đó tới đông đảo người dân của các dân tộc khác..
Trong đời sống ngôn ngữ, văn hóa của người Tày hàng chục năm qua, tiếng dân tộc và tiếng phổ thông cùng hoạt động trên nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Có lẽ vì vậy mà đã hai thập kỷ trôi qua, tiếng Tày không chỉ còn là của riêng người Tày và các dân tộc thiểu số láng giềng mà đã được hàng vạn người Kinh sinh sống và làm việc bên cạnh người Tày cũng coi đó là phương tiện ngôn ngữ thường xuyên sử dụng trong giao tiếp. Đặc biệt kể từ khi Nhà nước công bố và cho sử dụng “Phương án chữ Tày Nùng” năm 1961, thì phạm vi sử dụng ngôn ngữ này trong đời sống xã hội ngày càng phổ biến hơn. Không chỉ đối với những dân tộc khác, trong cộng đồng người Tày, chữ Nôm Tày cũng là ngôn ngữ phổ biến nhất. Đây là ngôn ngữ được sử dụng trong giao tiếp hàng ngày, trong quá trình ghi chép lịch sử, văn chương, là ngôn ngữ đê sáng tác âm nhạc….
Sự đa dạng trong ngôn ngữ người Tày nói chung, sự hấp dẫn của chữ Nôm Tày nói riêng cho đến nay vẫn luôn là đề tài hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu, các nhà ngôn ngữ học. Bởi qua ngôn ngữ và chữ viết độc đáo này, các nhà nghiên cứu có thể hiểu và mở ra một kho tàng văn hóa, giàu bản sắc, được kết tinh qua hàng nghìn năm của dân tộc Tày. Việc Bộ VHTTDL công nhận Chữ Nôm của người Tày là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia mới đây, đã 1 lần nữa cho thấy tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt trong việc bảo tồn, phát triển loại hình di sản này.
(Nguồn: Bộ VHTTDL)