Chùa Cầu hay còn gọi là chùa Nhật Bản nằm trong khu phố cổ Hội An. Đây là công trình do các thương gia Nhật Bản đến buôn bán tại Hội An xây dựng vào khoảng giữa thế kỉ 16. Chiếc cầu dài khoảng 18 m, có mái che, vắt cong qua lạch nước chảy ra sông Thu Bồn.
Do ảnh hưởng của thiên tai địch hoạ, Chùa Cầu đã qua nhiều lần trùng tu và mất đi các yếu tố kiến trúc Nhật Bản, thay vào đó là kiến trúc mang đậm phong cách Việt - Trung. Chùa Cầu là tài sản vô giá và đã chính thức được chọn là biểu tượng của Hội An.
Một địa danh nữa đó là cụm di tích Nghênh Lương Đình- Phu Văn Lâu (Huế) được in trên mặt tờ tiền 50.000 đồng polymer, là những công trình kiến trúc gắn bó với lịch sử triều Nguyễn. Nghênh Lương Đình bên bờ sông Hương dùng làm nơi nghỉ chân của nhà vua trước khi đi xuống bến sông để lên thuyền rồng hoặc làm nơi hóng mát. Phu Văn Lâu được xây dựng dưới thời vua Gia Long dùng làm nơi niêm yết những chỉ dụ quan trọng của nhà vua và triều đình, hoặc kết quả các kỳ thi do triều đình tổ chức.
Xuất hiện trên tờ tiền 100.000 đồng polymer là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Đây chính là biểu tượng thể hiện tầm nhìn về giáo dục và mang đậm tinh thần khuyến học của đất nước xứng đáng là công trình văn hóa biểu tượng đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.
Khuê Văn Các được coi là một biểu tượng của sự trường tồn tinh hoa văn hóa, giáo dục, truyền thống tôn sư trọng đạo, khuyến đức, khuyến tài của dân tộc Việt. Là địa chỉ du lịch văn hóa nổi tiếng của thủ đô, hàng năm Văn Miếu thu hút hàng triệu lượt du khách tham quan cũng như diễn ra các hoạt động văn hóa, lễ hội như tôn vinh Thủ khoa, văn nghệ dân tộc, bình thơ, triển lãm thư pháp, giới thiệu thơ xuân...
Vịnh Hạ Long – được Unesco nhiều lần công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới với hàng nghìn hòn đảo được làm nên bởi tạo hoá kỳ vĩ và sống động. Vịnh Hạ Long có phong cảnh tuyệt đẹp nên nơi đây là một điểm du lịch rất hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế.
Không chỉ là di sản độc đáo, vịnh Hạ Long còn ẩn chứa nhiều dấu tích quan trọng trong quá trình hình thành địa chất và phát triển lịch sử của trái đất. Nơi đây cũng là kiệt tác nghệ thuật của tạo hóa tạo nên với sự hiện diện của hàng ngàn đảo đá, với nhiều hang động kỳ thú hội tụ thành một thế giới thu nhỏ vừa sinh động và vừa huyền diệu.
Trên tờ 500.000 đồng có hình ngôi nhà tranh 5 gian ở Nam Đàn, Nghệ An – Quê hương của Bác Hồ. Đây chính là nơi Bác sống từ thủa nhỏ tới lúc 16 tuổi.
Ngôi nhà thuộc khu di tích Kim Liên, một trung tâm du lịch lưu giữ những hiện vật, tài liệu, không gian văn hóa – lịch sử về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình.
(Nguồn: Dân trí)