Vụ gặt vừa xong, gió xuân hây hẩy lùa trong nắng. Vào thời điểm đó, một số chợ giữa đồng bắt đầu mọc lên. Chợ thường họp trên bờ sông, dưới bóng tre, bóng dừa mát rượi. Tôi thường gọi chợ đồng là chợ tứ xứ bởi người đến đây họp chợ phần đông là người thương hồ bốn phương trong hành trình lang bạt của mình đã đến đây, neo ghe lại bờ sông rồi bày hàng ra buôn bán.
Chợ đồng không bán gì nhiều ngoài đặc sản miền sông. Người trong xóm cũng hào hứng mỗi khi chợ tết tụ họp sầm uất chốn thôn dã sông đồng. Cánh đồng sau nhà tôi nối tiếp với dòng sông, mỗi lần sắp tết, chợ nhỏ lại mọc lên, thương hồ neo đậu buôn bán đến chiều ba mươi tháng chạp mới dời chợ về quê ăn tết.
Chợ trên đồng thường chỉ bán thịt cá, rau củ, có khi chiếc ghe chở lô nhô những chậu hoa vạn thọ, hoa cúc, hoa mai… ghé lại, người đi chợ thường chọn mua lấy một chậu mang về trang trí trước cửa nhà.
Cũng là chợ tết miền Tây, song chợ nổi lại mang đến cho đồng bằng một phong vị đặc sắc hơn. Chợ nổi miền Tây tồn tại khá lâu trên những dòng sông mênh mông sóng nước. Có lẽ ngày tết là thời điểm chợ nổi trở về đúng với bản chất được hình thành từ thuở sơ khai. Người trăm nơi đổ về chợ nổi, ghe bán hàng bông, ghe bán vải, buôn gạo, bán rượu gạo thơm lừng…
Tôi có dịp đến chợ nổi Cái Răng (thành phố Cần Thơ) vào một buổi sáng ba mươi tháng chạp, ngồi trong khoang đò ra chợ, muốn ăn hủ tiếu Nam Vang, bún cá Châu Đốc, bún mắm Sóc Trăng… thì không cần phải đi đâu mà xuồng ẩm thực cứ cập vào tận chiếc đò của tôi rồi đợi khách ăn bằng cái quạt nón lá phe phẩy chiều khách.
Hoàng Khánh Duy