Xuất phát từ Hà Nội, sau gần 4 giờ xe chạy, chúng tôi có mặt tại bến cảng Cái Rồng để ra đảo Quan Lạn thuộc tỉnh Quảng Ninh. Ánh nắng mùa hè phủ lên mặt biển xanh biếc một màu long lanh, theo con tàu thả mình giữa sóng nước đến với hòn đảo chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa nhưng cũng không kém phần kỳ vĩ về thiên nhiên này.
Bãi đá tròn ở Sơn Hào
Bãi biển Sơn Hào là một trong hai bãi biển đẹp nhất trên đảo Quan Lạn, với bãi cát trắng thoải dài cùng những con sóng lớn. Hai đầu bãi biển cách nhau 3km đều có những ghềnh đá, nhưng so với bên trái, xuôi về phía bên phải là một ghềnh đá đặc biệt với nhiều truyền thuyết đẹp người dân đảo vẫn truyền tai nhau.
Vượt qua khoảng 100m “rừng đá” khúc khuỷu với những tảng đá to đầy góc cạnh, chúng tôi đến được với bãi đá tròn độc đáo. Nơi đây được bao quanh bởi dãy núi phía đằng sau và phía trước là mặt biển, không còn dấu hiệu của bờ cát trắng. Bãi đá tròn với vô số phiến, viên đá đủ kích cỡ to nhỏ với mật độ cao, đặc biệt nhất là các phiến, viên đá đều có hình tròn hoặc bầu dục, bề mặt nhẵn nhụi và nhiều màu sắc.
Theo người dân địa phương, bãi đá tròn được hình thành là do sóng biển vỗ bờ bào mòn bấy lâu nay. Vẻ đẹp của bãi còn được thể hiện qua lưu truyền dân gian về dấu tích tượng Thiên Lôi và bàn chân tiên để lại khi xuống trần gian tham quan cảnh đẹp nơi đây. Bãi đá còn là nơi ngắm cảnh bình minh, hoàng hôn tuyệt đẹp mỗi sáng sớm hoặc chiều muộn.
Kỳ vĩ Eo Gió - Gót Beo
Đi xe điện khoảng 20 phút về phía cuối cùng của đảo Quan Lạn, chúng tôi tới với Eo Gió - đỉnh cao nhất của đảo có vách đá cheo leo ăn sâu ra biển. Để lên được Eo Gió, cần phải đi bộ, trải nghiệm trekking tầm 10-15 phút qua lối nhỏ xuyên rừng. Cảnh sắc nơi đây hùng vĩ bởi rừng ôm ấp núi, xa xa là biển, loáng thoáng những sắc hoa gié màu trắng xen lẫn sắc tím của sim hai bên đường tô điểm cho bức tranh thiên nhiên thêm tuyệt mỹ.
Đường lên Eo gió khá dốc và hơi mệt, chính vì thế lên tới đỉnh là cảm giác bất ngờ thú vị. Những vách đá dựng đứng với những hình thù độc đáo trên nền mặt biển xanh thẫm, sóng vỗ rì rào, tung bọt trắng xóa. Đứng trên mỏm đá cheo leo, một bên là biển xanh trong, một bên là núi rừng xanh mát, chúng tôi hít căng lồng ngực gió trời, cảm nhận cảm giác tự do giữa thiên nhiên bao la. Từ Eo Gió - Gót Beo có thể bao quát được cả vùng biển rộng ở phía đằng xa đường chân trời…
Vườn đá “tình cờ” ở Minh Châu
Bãi biển Minh Châu thu hút đông đảo du khách khi đến với Quan Lạn bởi mặt biển dịu êm và bãi cát trắng phẳng lì đẹp nhất miền Bắc. Bãi biển Minh Châu nằm trong vịnh, kín gió hơn nên nước lặng và trong xanh đến độ có thể nhìn tới tận đáy sâu. Để đi đến bãi Minh Châu phải vượt qua một con đường cắt ngang rừng trâm có tuổi đời hàng trăm năm, đây là loại cây thân gỗ, mọc trên cát, có tác dụng giữ đất, chắn gió và cho bóng mát. Chúng tôi đi về phía bên phải bãi biển nơi có một ghềnh đá nhỏ, khám phá nơi sinh sống của loài hàu. Trên bãi cát là hằng hà sa số những viên cát tròn nhỏ li ti, tác phẩm của loài rạm, loài còng sinh sống tại đây.
Gần đó, chúng tôi tình cờ gặp một “nghệ sĩ xếp đá” tên Hùng ngay trên bờ biển. Từ những hòn đá tự nhiên nằm rải rác trên bờ, anh đang say mê tìm kiếm rồi chăm chú căn góc giữ thăng bằng, sắp xếp từng viên đá to, nhỏ chồng khớp lên nhau tạo thành những bức tượng đá lừng lững. Bãi đá nhỏ phút chốc như trở thành vườn tượng đá, mà mỗi tượng chỉ là những viên đá được xếp khít lên nhau, không hề có chất gắn kết. Đến Minh Châu, nếu may mắn gặp anh, bạn sẽ có dịp chiêm ngưỡng những tác phẩm đá ngay trên bãi biển, bởi có một điều đáng tiếc rằng những tượng đá này thường không giữ được lâu, đều sẽ bị phá sập sau mỗi đợt thủy triều lên… Nhưng sự tình cờ này cũng mang lại cho chúng tôi điểm nhấn ấn tượng cho chuyến khám phá biển đảo Quan Lạn lần này.
Hạ Tinh