Đến làng cổ Phước Tích, ai cũng được nghe nhắc tới ngôi miếu Cây Thị - ngôi miếu cổ nằm bên gốc cây thị có tuổi đời trên 600 năm, vẫn còn giữ được nét cổ kính và những bí ẩn chưa lời giải đáp về sự giao lưu hai nền văn hóa Chăm - Việt. Miếu nằm ở giữa làng, xoay mặt về hướng Đông, các câu đối chữ Hán ghi trước miếu, các trụ lâu ngày bị bào mòn, nên thời điểm xây dựng miếu lần đầu không rõ năm nào, chỉ biết miếu được tu sửa lại dưới thời Tự Đức. Phía trước miếu có khắc 3 chữ Hán “Hiển Linh Miếu” bằng lối đại triện, nhưng dựa vào đặc trưng của miếu gắn liền với cây thị nên người dân gọi là miếu Cây Thị để tỏ lòng thành kính.
Ngôi miếu nhỏ được xây dựng bằng gạch vò xưa thờ Thánh mẫu Ponagar của người Chăm, có tường bao quanh, phía trước có bình phong trang trí hình chim phượng gắn mẻ sành, hai bên có cửa vòm cũng xây bằng gạch vồ cuốn tròn dùng làm lối ra vào. Người dân làng cho biết, sở dĩ cổng vào thấp (chỉ chừng 1,3m) như vậy là chủ ý khiến ai đi vào đều phải cúi đầu thể hiện sự tôn kính với Thánh mẫu. Các nhà khoa học nhận định, miếu Cây Thị thờ mẫu Ponagar đã được Việt hóa trong quá trình chung sống và kế thừa dòng tín ngưỡng Chăm. Nơi đây vẫn còn lưu lại biểu tượng Yoni, dấu tích tín ngưỡng của người Chăm từng sinh sống.
Mang trong mình nhiều giai thoại và những câu chuyện kể ly kỳ, cây thị cổ đã trở thành một phần văn hóa gắn với người dân làng Phước Tích suốt bao đời nay. Cây thị cổ bên miếu đã được tôn vinh là Cây di sản Việt Nam. Điều đặc biệt của cây thị là dù quanh năm xanh tốt, cành lá sum suê, bộ rễ xù xì nổi lên mặt đất nhiều hình thù, nhưng thân cây to đến bảy tám người ôm không xuể lại rỗng ruột. Trong thời kỳ kháng chiến, lòng rỗng của cây đã từng là căn cứ bí mật của những chiến sỹ cách mạng. Trong lòng bộng cây thị, các chiến sĩ dùng gỗ để đóng bậc tam cấp trong lòng cây, từ gốc đến ngọn chứa được cả một tiểu đội 12 người. Nhờ cây thị mà suốt những năm tháng chiến tranh, quân dân Phước Tích mới thoát khỏi họng súng của quân thù.
Điều mà chúng tôi đều cảm nhận khi đến thăm miếu là dù giữa trời nắng chói chang thì sân miếu vẫn mát rượi bởi tán lá cây thị xòe rộng phủ bóng cả ngôi miếu. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của thời gian, cây thị và ngôi miếu cổ chính là nhân chứng lịch sử ghi dấu những đổi thay và phát triển của đời sống bao lớp người dân làng Phước Tích. Cứ vào ngày 16/1 âm lịch hàng năm, người dân làng Phước Tích lại tổ chức lễ hội tưởng nhớ đến những người đã có công khai khẩn ngôi làng và bày tỏ sự tôn thờ của mình với ngôi miếu và cây thị linh thiêng.
Ghé thăm Phước Tích, chúng tôi ai nấy đều xiêu lòng bởi vẻ bình yên, hiền hòa quá đỗi của ngôi làng có bề dày lịch sử này. Làng cổ Phước Tích gần như tách biệt hoàn toàn với sự ồn ã của phố thị, thay vào đó là những tán cây xanh mướt bên lối đi, một bên là dòng Ô Lâu yên ả. Ngôi miếu thiêng và cây thị rợp bóng như khiến cho ngôi làng thêm phần cổ kính, nên thơ mà thân thuộc.
Bên cạnh viếng thăm ngôi miếu cổ thắp nén nhang thơm bày tỏ lòng thành kính, chúng tôi có dịp tìm hiểu nghề gốm cổ truyền thống Phước Tích với ngôi nhà trưng bày gốm cổ, khu lò gốm, trải nghiệm làm gốm truyền thống… Gốm Phước Tích nổi tiếng bởi độ bền và tinh xảo, bởi được làm bằng tay và đun bằng củi. Nghề gốm truyền thống gắn liền với quá trình phát triển của làng cũng trên 500 năm tuổi, góp phần xây dựng nên những công trình nhà rường cổ với kiến trúc độc đáo cùng những họa tiết tinh tế. Những ngôi nhà rường cổ hơn 100 năm tuổi mang kiến trúc nhà vườn đặc trưng của người Huế với 3 gian 2 chái, được chạm trổ tinh xảo… Ngang qua những chái nhà cổ kính bỗng thấy tâm hồn bình yên đến lạ!
Hình thành và phát triển từ năm 1470 dưới đời vua Lê Thánh Tông, đến nay làng cổ Phước Tích còn lưu giữ những giá trị quý báu của một ngôi làng cổ tiêu biểu của miền Trung Việt Nam. Làng cổ Phước Tích hiện còn 26 ngôi nhà rường cổ có tuổi đời 150 năm trở lên, bên cạnh đó là các công trình đình chùa miếu, các di tích văn hoá tín ngưỡng của người Chăm. Với những giá trị đặc biệt đó, làng cổ Phước Tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp quốc gia vào tháng 3/2009, và là ngôi làng cổ thứ hai sau làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) được công nhận di tích cấp quốc gia.
Hạ Tinh