Từ một tịnh cư
Tịnh cư Cát Tường Quân vốn là chốn đi về của doanh nhân nổi tiếng đất Sài Gòn Tạ Thị Ngọc Thảo. Sau những bôn ba nơi thị thành, bà chọn Huế làm mảnh đất dừng chân cho mình.
Với sự am hiểu về văn hóa lịch sử, kiến trúc vùng miền và là “tín đồ” của thiền, yoga, khí công, Tạ Thị Ngọc Thảo đã chọn đồi thông Thiên An nổi tiếng của cố đô Huế làm nên tịnh cư Cát Tường Quân. Tịnh cư Cát Tường Quân xây dựng từ năm 2009, trên diện tích 3.000m2 của khu vực đồi thông Thiên An nổi tiếng của cố đô Huế với cấu trúc nhà vườn theo hình chữ “khẩu” – một mô hình chỉ có ở các cung vua và ngôi chùa.
.jpg)
Doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo - người làm nên phần “hồn” độc đáo cho Cát Tường Quân
Điều đặc biệt là ngay từ những ngày đầu mới xây dựng, tịnh cư đã thu hút những du khách vô tình ghé thăm đồi Thiên An, họ dừng chân ngắm Cát Tường Quân và nghe chủ nhân chuyện trò. Tiếng lành đồn xa, du khách nườm nượp ghé thăm và khuấy động không gian tịnh cư Cát Tường Quân. Du khách đến đây không khỏi ngỡ ngàng trước sự thánh thoát bên ngoài và sự lộng lẫy bên trong của nhà rường Huế, nét pha trộn giữa sự trang nghiêm của hoàng thành và sự thanh tịnh của thiền tự. Du khách ra về còn ngộ ra những điều mới mẻ về triết lý nhân sinh quan, đạo lý làm người… khi trò chuyện cùng chủ nhân.
Từ một tịnh cư dành riêng cho gia đình chủ nhân, doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo đã quyết định để Cát Tường Quân trở thành một điểm đến du lịch tâm linh “lạ”. Giữa không gian ưu tịch của đồi thông Thiên An, Cát Tường Quân “bán sự tĩnh lặng cho du khách và thu về nguồn thu để làm từ thiện cho đời” – lời của bà Tạ Thị Ngọc Thảo.
Đến địa chỉ du lịch tâm linh “lạ”
Bà Tạ Thị Ngọc Thảo tâm niệm: thân tâm của muôn loài thường rỗng lặng, chỉ xôn xao khi ai đó đánh mất tính thiện sẵn có của mình. Tịnh cư Cát Tường Quân khai mở đón khách chỉ nhằm một mục đích duy nhất là trợ duyên cho khách tìm lại sự phúc lạc của thân và tâm.
Tất cả các chương trình, các sản phẩm của du lịch Cát Tường Quân đều hướng tới mục đích ấy như: Chương trình ngày an lành, hay chương trình hỷ lạc thân tâm đều hướng du khách đến sự tĩnh tâm, tìm về vô ngã. Mong muốn du khách quay lại tính thiện của mình, hiểu mình là ai, rồi đem sự hiểu biết đó phụng sự cho xã hội, thì cái xấu trong mỗi người sẽ giảm.
Tại Cát Tường Quân, du khách đều được đối xử bình đẳng như nhau và tất cả nguồn thu đều được chủ nhân đem làm từ thiện. Đối với Cát Tường Quân mọi thứ đều phải tĩnh, tĩnh từ trong không gian đến tâm hồn, nơi ấy chủ nhân và du khách đều trong tâm thế an nhiên tự tại.
Không bao giờ Cát Tường Quân phục vụ khách quá hai đoàn khách và tất cả các đoàn đến với Cát Tường quân đều đặt trước để chủ nhân và khách gặp nhau một cách tĩnh lặng, an nhàn. Cả khách và chủ đều chọn vị trí tinh thần sâu sắc trong cảm nhận không gian, trong thiền, trong yoga hay trong từng món ăn chay được chủ nhân giới thiệu cho từng đoàn riêng.
Xuất phát từ nhận thức du khách không chỉ có nhu cầu thỏa mãn vật chất mà còn có nhu cầu hạnh phúc về tinh thần. Hiện nay, ở Huế và Việt Nam có rất nhiều dịch vụ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ vật chất, nhưng dịch vụ giúp du khách thăng hoa tinh thần thì chưa nhiều; những sản phẩm cung ứng cho thị trường du lịch tâm linh lại càng hiếm. Mà về nguyên lý, cái gì hiếm cái đó ít cạnh tranh. Và Cát Tường Quân đã chọn thị trường này để hình thành nên điểm đến du lịch tâm linh “lạ” giữa vô vàn điểm đến văn hóa lịch sử của du lịch Huế.
Huế có bề dày lịch sử, Huế có nền tảng văn hóa; tại sao chúng ta không khai thác sự khác biệt này, cụ thể là xây dựng thêm những sản phẩm đáp ứng nhu cầu tinh thần và tâm linh của du khách? Và cho đến thời điểm này, bà Thảo đã xác định được hướng đi đúng, Cát Tường Quân sau 8 tháng khai trương đón khách đã đón du khách của trên 50 quốc gia trên thế giới ghé thăm trong đó có những vị khách rất đặc biệt như cựu Đại sứ Pháp, Bộ trưởng Anh…./.
Minh Hạnh