Sức sống trên cao nguyên đá
Nằm ở độ cao gần 1600m so với mực nước biển, tổng diện tích 2.530 km2 trải rộng trên 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, cao nguyên đá Đồng Văn từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho những người ưa khám phá mạo hiểm không chỉ bởi vẻ đẹp hoang sơ kỳ thú mà còn bởi những nét văn hóa độc đáo của đồng bào vùng cao Tây Bắc.
Rời thành phố Hà Giang xinh đẹp nằm giữa hai bờ sông Lô, sông Miện, được ôm trọn bởi núi Cấm và mỏ Neo thơ mộng, chúng tôi bắt đầu hành trình lên cao nguyên đá. Ai đã từng một lần đến với cao nguyên đá Đồng Văn hẳn không thể nào quên những cung đường hiểm trở với những đoạn cua tay áo giữa một bên là vực sâu và một bên là núi đá tai mèo. Những chặng đường như con rắn khổng lồ uốn khúc mà chỉ chênh nhau một chút về độ cao đã có thể cảm nhận ngay được sự khác biệt về khí hậu. Song có lẽ, chính sự khó khăn nhọc nhằn trên hành trình lên với cao nguyên khiến sự cảm nhận về khung cảnh hoang sơ kỳ vỹ trở nên rõ nét hơn.
Chúng tôi đã gặp những con người miệt mài lao động để duy trì sự sống trên cao nguyên chỉ có đá tai mèo.
Không chỉ là người lớn cặm cụi trồng cây trỉa bắp, mà còn là những em nhỏ gùi trên lưng bó củi to, hay địu những can nước ngọt trên tấm lưng nhỏ nhắn mang về sinh hoạt hàng ngày… Thiếu thốn vất vả là vậy, nhưng trên những gương mặt ấy luôn bừng nở nụ cười tươi sáng và những cái vẫy tay thân thiện như đón chào du khách. Tận mắt chứng kiến những hình ảnh này, tôi thực sự thấm thía và cảm phục những con người giàu nghị lực sinh sống nơi đây.
Qua dốc Bắc Sum, con đường như dải lụa vắt qua núi đá là ngọn núi Đôi. Thung lũng Tam Sơn đã khiến bao du khách mê mẩn bởi vẻ đẹp lung linh xuyên suốt bốn mùa.
Đó là màu xanh dịu mát khi lúa đương thì, hay bồng bềnh óng ả như tấm thảm khổng lồ khi vào mùa lúa chín...
Điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi là phổ cổ Đồng Văn, đẹp đến ngỡ ngàng với những ngôi nhà làm bằng đất, hàng rào đá phía dưới là ruộng bậc thang xanh mướt giữa bạt ngàn đá tai mèo lởm chởm.
Tiềm năng du lịch và văn hóa
Theo đánh giá của Hội đồng tư vấn mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ quả đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa. Cao nguyên đá Đồng Văn là sự hội tụ của những sự độc đáo, từ địa chất khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên cho đến bản sắc văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số. Nơi đây cũng hội tụ những di tích, danh thắng nổi tiếng như: cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, làng cổ Lũng Cẩm, đèo Mã Pì Lèng…
Ngoài cảnh sắc núi non hùng vĩ, vùng đất này còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của tộc người bản địa. Nơi đây hiện có hơn 250.000 dân sinh sống với 17 dân tộc thiểu số, chiếm 90% dân số cả vùng, trong đó dân tộc Mông chiếm 70% số dân, lên đến hơn 230.000 người. Đây là vùng tập trung người Mông đông nhất cả nước.
Mỗi tộc người ở đây đều mang những nét văn hóa độc đáo riêng, các tộc người của vùng văn hóa này đều rất giỏi canh tác nương rẫy. Bên cạnh đó, các tộc người đều lưu giữ những kỹ nghệ thủ công truyền thống tinh xảo và điêu luyện, đó là kỹ thuật trồng bông, trồng lanh, xe sợi, đan lát đồ mây tre.
Tính độc đáo của văn hóa các tộc người trên cao nguyên đá Đồng Văn thể hiện rõ ở các buổi chợ phiên. Không giống các phiên chợ miền xuôi, chợ phiên ở đây không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động kinh tế mà còn là nơi giao lưu sinh hoạt văn hóa tinh thần. Những phiên chợ lùi, chợ lẻ, chợ theo các ngày con giáp và đặc biệt là chợ tình Khâu Vai luôn là điểm nhấn khi nhắc đến bức tranh văn hóa Hà Giang.
Làm gì để phát huy?
Ông Hoàng Văn Kiên, giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết, năm 2014 lượng khách du lịch đến với Hà Giang đạt khoảng 650.00 lượt trong đó khách quốc tế đạt 120.000 lượt. Mặc dù lượng khách tăng 25% so với năm 2013, (riêng khách quốc tế tăng 35,9%), doanh thu từ du lịch dịch vụ đạt gần 600 tỷ đồng, so với năm 2013 đây là một bước nhảy vọt (tăng trên 20%) song ông Kiên cho rằng, con số trên vẫn ở mức thấp. Trong 9 tháng đầu năm 2015, Hà Giang đã đón trên 60.000 lượt khách du lịch quốc tế. Nếu có cơ sở hạ tầng tốt, cơ sở lưu trú đáp ứng được nhu cầu của du khách, doanh thu từ du lịch còn có thể đạt cao hơn nữa. “Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng khó khăn nhất cả nước. Bên cạnh những khó khăn về phục vụ dân sinh và kinh tế như đất canh tác và nguồn nước sinh hoạt, nước canh tác, chất đốt.. thì hệ thống giao thông, hạ tầng du lịch cũng bị ảnh hưởng rất nhiều do địa hình của cao nguyên đá. Chính vì vậy mặc dù đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để kêu gọi các nhà đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ, cơ sở lưu trú nhưng đến nay mới có rất ít các nhà đầu tư quan tâm”, ông Kiên chia sẻ.
Không những thế, trình độ nhận thức về du lịch của người dân, đặc biệt là các dân tộc thiểu số còn hạn chế. Nguồn nhân lực cho ngành du lịch chưa đảm bảo yêu cầu phát triển đã tác động không nhỏ đến chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch của Đồng Văn. “Hiện mức chi tiêu của khách quốc tế ở Đồng Văn vào khoảng 40 USD/ngày, quá thấp so với mặt bằng chung cả nước là trên 100USD”, ông Kiên cho hay.
Nỗi trăn trở của những người làm du lịch Hà Giang không chỉ là xúc tiến quảng bá thu hút du khách đồng thời bảo tồn nguyên trạng di sản, giữ được bản sắc văn hóa mà vẫn nâng cao đời sống người dân nhờ du lịch.
Năm 2013 Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn với tổng kinh phí 10.240 tỷ đồng, đầu tư cho nhiều nhóm dự án, như nhóm dự án quy hoạch chi tiết, nhóm dự án nâng cấp kết cấu hạ tầng, nhóm dự án bảo tồn – tôn tạo, nhóm dự án phát triển du lịch... Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị lập dự án, với sự tham vấn của nhiều cơ quan và chuyên gia chuyên ngành. Đây cũng là một cơ hội lớn để phát triển du lịch và chuyển đổi mô hình kinh tế - xã hội theo hướng tích cực, xoá đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc vùng cao.
Hy vọng trong tương lai không xa, cao nguyên đá Đồng Văn không chỉ là nơi thu hút du khách đam mê phượt, mà sẽ là điểm đến yêu thích của đông đảo du khách trong nước cũng như khách du lịch quốc tế.
Việt Nguyễn