Làm du lịch từ rau thơm
Cách Hội An (Quảng Nam) khoảng 2km, rời xa những ồn ào, náo nhiệt của phố thị, chúng tôi chìm vào không gian làng quê thanh bình với những người dân nón lá miệt mài làm đất, trồng các loại hành, mùi, húng…
Các cụ già trong làng không lý giải được vì sao, rau làng Trà Quế lại thơm đến thế. Hàng chục ha rau thơm trải dài được ôm trọn trong làng. Từng giếng nước trong vắt được dựng ngay giữa những luống rau để lấy nước trực tiếp từ các mạch nước ngầm sông Đế Võng hàng ngày tưới nước sạch cho những khóm rau.
Chủ nhà hàng Mint - tên của loại rau bạc hà được đặt cho ngôi nhà theo mô hình "homestay" của gia đình, chị Lý Duy Tâm cho hay, rau thơm ở đây được trồng hoàn toàn bằng rong được vớt lên từ Đầm Rong Trà Quế, không có một chút phân bón nào. Vì thế, rau thường có ngọn, lá hay thân đều nhỏ nhưng mùi thơm thì "chính hãng" luôn khiến người ăn cảm thấy dường như tinh dầu của các loại rau thơm đều “tụ hội” về đây cả, không nhạt nhòa mà mùi vị nồng đượm.
Chị Tâm, áo nâu đang giới thiệu khách du lịch rau húng làng Trà Quế.
Một điều đặc biệt khác mà người dân vùng này tiết lộ, các loại rau thơm ở đây khi trộn lẫn với nhau thì đĩa rau sống lại thêm một vị hương khác biệt, tỏa ra mùi thơm nồng nàn, kích thích vị giác nhưng ăn món rau nào trong miệng thì thực khách đều có thể đoán ra những loại rau gì vì mùi vị của từng loại không thể trộn lẫn.
Cả làng có khoảng 235 hộ dân đa phần trồng rau, trồng lúa. Như một cam kết "ngầm", các gia đình chỉ lấy rong về trồng chứ không dùng các biện pháp hóa học nào để kích thích tăng trưởng cho rau.
Tuy vậy, làng rau yên bình không dễ dàng trụ được trong cơn lốc đô thị hóa và áp lực trước những việc phải thay đổi cơ cấu cây trồng để phát triển. Một hướng đi khác đang được gây dựng tại đây đó là biến làng rau thành điểm đến du lịch để "một công đôi ba việc" vừa mang lại thu nhập cho người dân, vừa giúp giữ làng rau sạch nức tiếng này.
Anh Trần Ngọc Trung, một chuyên gia của các dự án du lịch cộng đồng bền vững, thường xuyên cùng các chuyên gia của các tổ chức quốc tế giúp đỡ nông dân Việt Nam làm du lịch đã dành rất nhiều tâm huyết để hỗ trợ cho người dân làng Trà Quế trồng rau và làm du lịch.
"Tôi công tác tại thị xã Tam Kỳ, nhưng hầu như ngày nào, tuần nào cũng phải tạt té về làng rau Trà Quế chỉ đơn giản được nhìn thấy, được ngửi thấy, được trò chuyện với nông dân… Nếu không, tôi cảm thấy rất "trống vắng" - anh Trung chia sẻ.
Anh Trung cho hay, Hội An là đô thị cổ, quãng thời gian của một du khách dành cho thăm thú đô thị này chỉ mất khoảng 20% là xong, trong khi thực tế để khám phá hết Hội An thì phải mất thêm 80% nữa.
Vì thế, khi về vùng Trà Quế, thấy đây là nơi có tiềm năng lớn để làm dự án du lịch bền vững, anh quyết định giúp 3-4 hộ dân ở đây dựng mô hình cho du khách trải nghiệm làm nông dân, ăn các món ăn địa phương với rau của làng và như vậy là thêm một sản phẩm du lịch cho du khách đến Hội An.
"Vùng này cũng từng có các công ty du lịch làm rồi nhưng thực tế người dân lại chưa được hưởng lợi. Họ thuê đất của người nông dân, họ tự làm, đưa khách về và lợi nhuận về họ. Tôi hỗ trợ một số hộ nông dân ở đây về mặt kỹ thuật làm du lịch để họ có thể sống được bằng du lịch" - anh Trung cho hay.
Làm du lịch để cố gắng giữ làng rau
Ngoài ra một lý do khác khiến anh Trung "đắm đuối" với làng rau này là do sản lượng rau Trà Quê thường thấp vì bón bằng rong ở đầm, nếu bán ngoài thị trường, giá sẽ không thể cạnh tranh được với rau Đà Lạt. Trong khi nếu không duy trì được, làng rau này sẽ mai một dần.
Được biết, hiện thu nhập của người dân ở đây thấp, bình thường họ nhặt rau mang ra chợ bán được 70-100.000 đồng/ngày, có những thời điểm chỉ được 30-50.000 đồng/ngày.
Chiều về, người nông dân thu hoạch hành để mang ra chợ bán trong khung cảnh bình yên...
Và một hướng sáng với anh Trung đó là phải phát triển du lịch bền vững. Đó cũng là lý do khiến anh Trung cùng các mối quan hệ khác xắn tay giúp đỡ gia đình chị Tâm làm du lịch.
"Thu nhập được nâng lên, thì ít nhất làng rau sẽ còn tồn tại được. Nếu không họ chuyển sang bón phân vô cơ hoặc chuyển sang trồng các loại cây khác có năng suất cao hơn và làng rau sẽ biến mất" - anh Trung nói.
Làng Trà Quế đã nổi tiếng về rau, tận dụng lợi thế này, anh Trung cho biết, kéo khách du lịch không đến nỗi quá khó. Một tour về làng rau, khách du lịch thường thuê xe đạp về và sẽ được hướng dẫn cách trồng rau từ làm đất, lấy rong, trồng rau gánh nước tưới và sau đó cùng gia chủ chuẩn bị một bữa ăn với những món nổi tiếng ở vùng quê này như bánh xèo, bánh xu xê… với giá tiền từ 4-500.000 đồng/khách.
Điều bất lợi theo anh Trung hiện nay là tình trạng làm du lịch bền vững nhưng bị sân khấu hóa, thiên về biểu diễn nhiều hơn mà không thực được như cuộc sống của chính người dân. Chính vì thế, người dân phải hướng dẫn cho du khách biết làm thực tế, họ đang sống như thế nào thì hướng dẫn khách đúng như thế chứ không phải cứ thấy khách tới mới vác cuốc ra làm. Ngoài ra, phải hướng dẫn cho người dân không bị nông dân quá nhưng cũng không được du lịch hóa, họ cần sự tế nhị, lịch thiệp nhưng không biến thành chuyên nghiệp hóa như hướng dẫn viên.
Một điều nữa mà anh Trung thấy khó là việc thuyết phục người dân đầu tư cơ sở vật chất nhưng phải tái hiện được những sinh hoạt của người nông dân. Đây là những việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại là thói quen cố hữu bao đời nay của họ vì thế cần thời gian để thay đổi.
Từ phía các hộ gia đình làm du lịch, chị Tâm cho hay, từ ngày có thêm công việc hướng dẫn viên du lịch, chị thấy cuộc sống rất vui dù vất vả, "mỗi lần giới thiệu, hướng dẫn cho một đoàn khách, tôi cảm thấy rất hài lòng, khách cũng mệt nhưng vui và họ tìm hiểu thêm về làng rau Trà Quế là tôi thấy hứng thú rồi" - chị Tâm chia sẻ.
Gia đình nhà chị Tâm hy vọng, mô hình du lịch làng rau sẽ được nhiều trường học biết đến để đưa các học sinh về đây tham quan, lao động chân tay công việc của nhà nông để các em biết thêm yêu, quý trọng những loại rau mà hàng ngày mình được ăn, cũng là cách để các em rời xa các trò chơi điện tử hiện đại…/.
Nguồn: Toquoc.vn