Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Trung Thảo khẳng định: Nhận thức được tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh Cao Bằng đã xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế trọng tâm để khai thác và phát triển, đặt mục tiêu đến năm 2020 định hình cơ bản mô hình phát triển Du lịch Cao Bằng với những đặc trưng riêng biệt, đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, có sản phẩm du lịch đa dạng, có sức cạnh tranh cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện môi trường, đưa Cao Bằng trở thành điểm đến của các du khách trong nước và quốc tế.
Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh Cao Bằng kỳ vọng phát triển du lịch bền vững thông qua mô hình CVĐC Non nước Cao Bằng. “Cao Bằng đã hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác hiệu quả 03 tuyến du lịch trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng với tổng cộng 43 điểm tham quan du lịch ngắm cảnh… cùng hệ thống cơ sở vật chất như bãi đỗ xe, điểm dừng chân, trung tâm thông tin, hệ thống biển báo, biển thuyết minh… tại các điểm di sản theo chuẩn UNESCO phục vụ hoạt động du lịch.” Ông Nguyễn Trung Thảo cho biết.
Theo bà Phạm Lê Thảo – Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), việc UNESCO công nhận CVĐC Non nước Cao Bằng không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Cao Bằng mà còn là vinh dự lớn cho đất nước Việt Nam; đồng thời, có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với ngành Du lịch cả nước nói chung và Du lịch Cao Bằng nói riêng. Để tận dụng lợi thế này, Cao Bằng cần tranh thủ sự hỗ trợ, hợp tác từ trong nước và quốc tế để khắc phục khó khăn, vướng mắc, phấn đấu để Cao Bằng trở thành điểm đến không thể bỏ qua tại Việt Nam. Tổng cục Du lịch luôn đồng hành, tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện để Du lịch Cao Bằng phát triển ngày càng khởi sắc.
Với hai chuyên đề “Mô hình CVĐC toàn cầu UNESCO – cách tiếp cận phát triển bền vững cho ngành Du lịch” và “Kinh nghiệm, mô hình thành công của CVĐC trên thế giới”, các diễn giả trong nước và quốc tế đã phân tích các khía cạnh phát triển bền vững của mô hình CVĐC, từ đó tạo cơ sở để CVĐC Non nước Cao Bằng xác định những định hướng, lộ trình và giải pháp phát triển du lịch bền vững. Những kinh nghiệm, thực hành tốt về phát triển du lịch bền vững tại các CVĐC trên toàn thế giới như CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang, Việt Nam), CVĐC tại châu Mỹ La Tinh, CVĐC toàn cầu Satun (Thái Lan), CVĐC toàn cầu Ngorongoro – Lengai (Tanzania)… cũng được chia sẻ tại hội thảo.
Đề xuất chiến lược và hướng đi cho CVĐC Non nước Cao Bằng, chuyên gia Guy Martini – Chủ tịch Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO cho biết: Điều quan trọng nhất là gắn việc phát triển với người dân địa phương, và người dân địa phương cũng là chủ thể chính, nền tảng cho sự phát triển bền vững. Song song với đó, cần triển khai các hoạt động quản lý, bảo tồn; nghiên cứu khoa học; giáo dục ý thức cho người dân trong vùng CVĐC đặc biệt là lớp trẻ; kết nối hợp tác trong mạng lưới CVĐC toàn cầu; phát triển sinh kế, sản phẩm, dịch vụ phụ trợ trong vùng CVĐC…
Bài tham luận của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) cũng chỉ ra rằng, lựa chọn CVĐC Non nước Cao Bằng là giá trị cốt lõi để xây dựng thương hiệu du lịch của Cao Bằng là hoàn toàn phù hợp, bởi đây là tài nguyên du lịch nổi bật nhất của tỉnh, có lợi thế cạnh tranh so với các địa phương khác trong vùng và hấp dẫn với thị trường khách du lịch mục tiêu. Khi đã xác định được các giá trị thương hiệu phù hợp với thị trường mục tiêu, có tính cạnh tranh cao, thương hiệu đó cần được lồng ghép hiệu quả vào kế hoạch xúc tiến quảng bá. Cuối cùng là thực hiện hiệu quả công tác quản trị thương hiệu để đảm bảo tính bền vững của thương hiệu du lịch.
HN