Phát biểu trước đông đảo doanh nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Nhất là, sau khi có Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân, mặc dù chưa có sự đánh giá tổng kết đầy đủ những kết quả đạt được nhưng 2 năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự lớn mạnh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên của khu vực tư nhân.
Nhân dịp này, Thủ tướng kêu gọi tiếp tục tạo dựng và củng cố niềm tin giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền thông qua một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và công bằng; thông qua việc tiếp tục vun đắp tinh thần doanh nghiệp của doanh nhân Việt Nam. “Một khu vực tư nhân lớn mạnh, bền vững, bên cạnh khu vực doanh nghiệp Nhà nước hiệu quả hơn, khu vực kinh tế hợp tác xã năng động hơn sẽ tạo ra một tương lai thịnh vượng, bền vững hơn cho nền kinh tế Việt Nam”.
Khu vực kinh tế trong nước giàu tiềm lực, có tầm ảnh hưởng vượt biên giới quốc gia, sẽ góp phần lan tỏa sức mạnh mềm và ảnh hưởng của chúng ta trong khu vực và toàn cầu, không chỉ về phương diện kinh tế, mà trên tổng thể nhiều phương diện chiến lược khác. Sau phát biểu khai mạc, Thủ tướng bắt đầu phiên đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp. Thủ tướng cho biết, sẽ tiếp tục tạo điều kiện, kiến tạo không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn, với các “từ khóa”: “tạo bình đẳng” trong phát triển, được “bảo vệ”, “khích lệ” và “trao cơ hội”.
Trong phần Hiến kế, đề xuất của khu vực kinh tế tư nhân và phát biểu của đại diện địa phương, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã trình bày những kết quả chính của phiên Hiến kế phát triển Du lịch. Theo đó, khu vực tư nhân đưa ra một số đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ vướng mắc và cam kết nỗ lực tham gia vào phát triển du lịch.
Cụ thể, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ miễn thị thực cho du khách 3 nước (Australia, New Zealand, Canada) để tạo đà, nhanh chóng đuổi kịp các quốc gia khác; đồng thời, doanh nghiệp cũng cam kết thúc đẩy tăng trưởng 10 - 20% khách du lịch từ những thị trường được miễn visa.
Về nguồn nhân lực du lịch, để phát triển nhân lực du lịch đáp ứng nhu cầu hiện nay thì phải khuyến khích sự kết nối giữa các trường và doanh nghiệp, đề nghị Chính phủ cho phép, tạo điều kiện thành lập mô hình “trường trong doanh nghiệp”.
Về xúc tiến du lịch, Quỹ Phát triển du lịch theo mô hình quản lý tài chính nhà nước sẽ làm hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn của tư nhân; đề nghị Chính phủ nghiên cứu để tận dụng nguồn lực tư nhân. Về vấn đề mở văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài, đề nghị Chính phủ cho phép mở văn phòng xúc tiến du lịch ở một số nước là thị trường trọng điểm của Du lịch Việt Nam (trước mắt là Anh và Australia) và khối tư nhân sẽ đảm bảo toàn bộ vấn đề kinh phí và tổ chức duy trì hoạt động trong 4 năm không cần vốn nhà nước.
Về nâng cấp hạ tầng hàng không, đề nghị Chính phủ tạo điều kiện cấp phép thêm các hãng hàng không mới, đi cùng với đó là triệt để cải cách sự trùng lặp về quy trình thủ tục. Cần mở rộng mô hình sân bay Vân Đồn cho các sân bay khác. Về triển khai chiến lược phát triển du lịch, đề nghị Chính phủ cho phép khối tư nhân xây dựng Chương trình hành động quốc gia để thu hút khách từ những thị trường trọng điểm có chi trả cao. Ngoài ra, những vấn đề chưa được trình bày lần này như môi trường du lịch, nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước… sẽ được đệ trình và gửi Chính phủ sau.
HN