
Cảnh đẹp Thiên Mụ - một điểm đến ấn tượng của Huế
Du khách từ chối những tour đi xa
Anh Phú Long, một tài xế xe du lịch Đà Nẵng tâm sự, có lần chở một đoàn khách dạng nhóm gia đình kiều bào đi thăm quan Quảng Bình, anh rất áy náy khi chẳng biết nên dừng ở đâu cho du khách giải quyết “nỗi buồn”. Suốt chặng đường dài hơn 300km giữa 2 địa phương, thực tế không hề có 1 trạm dừng nghỉ nào để khách xuống xe. Anh đành ghé vào 1 quán ăn bên đường…
“Điều này khác với một số nước tôi đã đi qua, cụ thể như Trung Quốc. Trên các tuyến đường cao tốc nối liền các điểm du lịch, họ luôn có các trạm dừng chân ở cự ly cách nhau 50km. Như thế du khách thấy thoải mái hơn rất nhiều và sẽ hài lòng về chất lượng phục vụ". Một du khách người Nhật Bản nhận xét như vậy, khi được hỏi về chất lượng dịch vụ du lịch ở miền Trung và Việt Nam.
Vì thực trạng ấy, mà các đơn vị làm tour tuyến lữ hành dọc miền Trung đều rất băn khoăn khi nghĩ đến việc mời khách, nhất là khách quốc tế, với các chương trình mới. Tất cả các điểm tham quan đều gắn bó với những con đường, không hề có hệ thống nhà vệ sinh, điểm dừng chân nào ở trên đó. Nỗi ám ảnh “không nên uống nhiều nước trước khi lên xe du lịch” đã khiến nhiều người khách ngoại quốc từ chối thẳng thừng những tour đi xa về miền Trung.
Điều đáng suy nghĩ, là thực trạng này đã tồn tại nhiều năm qua, song gần như không ai quan tâm phải giải quyết ra sao.
Bao giờ đổi thay?
"Quả thật, đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc về việc xây dựng những điểm dừng nghỉ chân cho du khách nói riêng và mọi hành khách nói chung dọc các tuyến đường giao thông qua miền Trung nói riêng, cả nước nói chung. Chúng ta đã kéo dài sự bất tiện cho du khách và hành khách trong quá nhiều năm rồi". Một lãnh đạo Sở VHTTDL Thừa Thiên - Huế bày tỏ như vậy.
Theo phản ảnh của một số hướng dẫn viên du lịch miền Trung, cũng có một vài hãng xe mở các điểm dừng bên đường cho hành khách xuống xe, cụ thể như hãng Hoàng Long, Mai Linh, hay điểm dừng chân ở phía Nam hầm đường bộ Hải Vân. Nhưng các điểm này luôn mang tư duy “hãng ai nấy xài”, nên hiệu quả thu được về mặt ý thức cộng đồng vẫn rất kém. Mong mỏi của du khách, chính là nên có những trạm dừng chân được đầu tư sẵn sàng đón mọi người ghé qua, và tốt nhất là miễn phí!
Một hướng dẫn viên hãng lữ hành Fiditour còn nhấn mạnh: “Các nước như Nhật Bản, Trung Quốc… đều quan tâm thiết thực điều này. Họ có các trạm dừng xe giữa các chặng đường, miễn phí đi vệ sinh và cả nước lọc cho du khách, chỉ thu phí mua sắm đồ lưu niệm, nước giải khát đóng chai...”.
Vậy bao giờ các chặng đường du lịch miền Trung sẽ có những điểm dừng hợp lý để phục vụ hành khách, du khách những nhu cầu tất yếu? Câu hỏi này được đưa ra rất lâu, song luôn bị lãng quên. Trong khi các địa phương đều lập ra kế hoạch thu hút vài triệu du khách hàng năm, mơ ước có những sự kiện lễ hội quốc tế, ngành Giao thông trình các dự án làm đường cao tốc, mở rộng quốc lộ…, thì vấn đề giải quyết cho được những nhu cầu tối thiểu cho du khách và hành khách, hóa ra vẫn cứ treo lơ lửng!
Thụy Bất Nhi