Phó Thủ tướng cho rằng những câu hỏi, tranh luận của các đại biểu Quốc hội dành cho Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho thấy lĩnh vực văn hoá, du lịch còn rất nhiều việc phải cố gắng hơn nữa.
Phó Thủ tướng đã trao đổi thêm một số điểm được các đại biểu Quốc hội nêu lên trong thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, chương trình hành động của Chính phủ về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, di tích lịch sử.
Theo Phó Thủ tướng, để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn thì phải có một số giải pháp mạnh mẽ, đột phá. Tuy nhiên, nhiều giải pháp đã được xác định nhưng quá trình thực hiện còn chậm, chưa quán triệt đầy đủ tinh thần "du lịch phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn".
Phó Thủ tướng nêu một số ví dụ cụ thể như việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch để thực hiện xúc tiến, quảng bá du lịch nhưng phải mất 5 năm, 1 tháng Bộ Tài chính mới ban hành được thông tư hướng dẫn. Hay việc đẩy mạnh cải tiến, thực hiện cấp thị thực (visa) điện tử, miễn visa thì cũng còn có ý kiến khác nhau. Giá điện đang được tính trên nguyên tắc ưu tiên cho sản xuất công nghiệp nên giá điện sản xuất thấp hơn giá điện cho dịch vụ, nhưng đến nay dù chúng ta xác định ưu tiên phát triển dịch vụ thì vẫn chưa có phương án cụ thể cho du lịch và các ngành dịch vụ.
"Nếu đã xác định du lịch đúng là ngành kinh tế mũi nhọn thì phải có giải pháp mạnh mẽ, đột phá", Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh "du lịch cần sự phối hợp của các bộ, ngành, nhất là sự hưởng ứng, tham gia trực tiếp của người dân để cải thiện môi trường du lịch, để xoá những nỗi sợ của du khách nước ngoài, du khách trong nước.
Ngành du lịch, các địa phương đã phát động nhiều phong trào như mỗi người dân cho du lịch một nụ cười, mội người dân là một đại sứ du lịch, gắn với phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở".
Đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch, Phó Thủ tướng cho rằng phải có sự đầu tư ban đầu từ ngân sách nhà nước, đồng thời có cơ chế huy động nguồn lực từ DN, xã hội.
Phó Thủ tướng chia sẻ phản ánh của nhiều đại biểu Quốc hội về tình trạng xuống cấp của các di tích lịch sử, nhất là di tích lịch sử cách mạng. Mặc dù Bộ VH-TT&DL đã rất nỗ lực, có nhiều chương trình làm việc với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, tuy nhiên, nhu cầu vốn tu bổ, sửa sang các di tích lịch sử, trong đó có di tích lịch sử cách mạng, luôn luôn trong tình trạng thiếu và rất thiếu. Các quy trình, thủ tục rất phức tạp.
Thậm chí, có quy định rồi nhưng nếu cơ quan quản lý, chính quyền địa phương không cẩn thận, sát sao thì sau khi trùng tu, di tích có thể to hơn, hoành tráng hơn nhưng không còn là di tích. Ngược lại, nếu quy trình, thủ tục thông thoáng hơn, có kinh phí tu sửa sớm hơn thì không mất di tích.
Phó Thủ tướng cho biết ông đã họp nhiều lần với các cơ quan của Bộ VH-TT&DL, Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia… để rà soát, sửa đổi các quy định về tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử theo hướng Bộ VH-TT&DL quản rất chặt về chuyên môn, ra các tiêu chí cứng, có tính quyết định, sau đó phân cấp cho chính quyền địa phương bên dưới. Khi di tích bị xâm phạm thì trách nhiệm đầu tiên là của chính quyền địa phương.
Về câu hỏi của đại biểu Quốc hội liên quan đến văn hoá trên môi trường mạng, Phó Thủ tướng cho biết tốc độ lan toả thông tin trên mạng nhanh và rộng hơn rất nhiều so với trong cuộc sống bên ngoài. Tốc độ tác động, lan truyền thông tin xấu trên mạng nhanh hơn 6-7 lần thông tin tốt. Bằng các công nghệ mới, hiệu ứng hình ảnh, âm thanh trên mạng tác động mạnh mẽ, gây xúc cảm hơn nhiều đối với người dùng so với ngoài đời thực.
Phó Thủ tướng cho biết cùng với việc ban hành, thực hiện pháp luật về an toàn, an ninh mạng, đẩy mạnh đưa thông tin tốt, các cơ quan quản lý cũng bắt đầu xử lý nghiêm, kể cả xử lý hình sự, những đối tượng lợi dụng mạng xã hội liên quan đến xâm phạm lợi ích của công dân.
Nguồn: baochinhphu.vn