Ải Chi Lăng là lũy ải?
Ải Chi Lăng là tên chung của cả một quần thể gồm ải quan, thành lũy, những hiểm địa do thiên nhiên tạo thành... Tuy nhiên, công trình vốn là lũy ải (chiến lũy hình thang) được đắp trước thế kỷ 15 nhằm án ngữ khu vực bãi lầy, nay được cắt ra một đoạn để ngành giao thông mở đường mới vào những năm 2000, được gắn biển Ải Chi Lăng là không xác đáng.
Địa thế này từng được người xưa tả lại: “Hàng nghìn ngọn núi la liệt, hàng nghìn khe suối quanh vòng, khí núi độc, đường đất hiểm trở, đi lại khó khăn...”. Ải Chi Lăng năm xưa dài 20km tính từ cầu Quan Âm (thị trấn Chi Lăng) đến đền Hổ Lai (xã Mai Sao) giữa hai dãy núi, một bên là dãy núi đá vôi Kai Kinh hay còn gọi Bảo Đài và một bên dãy núi đất Thái Họa.
Trong thung lũng còn nổi lên nhiều ngọn núi đá vôi nằm rải rác, đặc biệt nằm sừng sững về phía Bắc là dãy núi Quỷ gồm bảy ngọn đối mặt núi Mặt Quỷ trong dãy Kai Kinh đã khép chặt vào con đường độc đạo và dòng sông Thương chảy ngoằn ngoèo nên gọi là Quỷ Môn quan.
Ngày xưa, khi quân giặc tiến vào ải Chi Lăng, đến đâu cũng là rừng rậm, bãi lầy, sông sâu nên buộc phải qua Quỷ Môn quan và bị quân ta mai phục hai bên núi dùng đạn đá, cung tên, mũi giáo tiêu diệt.
Xa xa về phía Nam, cách 4km là thành lũy núi Ngõ Thề đã cùng Quỷ Môn quan tạo nên một vùng hiểm địa với địa thế hình bầu dục, khép chặt ở hai đầu và phình ra ở giữa. Theo sử sách, nơi đây nhiều lần dân tộc Việt đã đối mặt với quân thù.
Dù cho vật đổi sao dời, nhưng tình cảm của người dân nơi đây đối với ải quan xưa vẫn sâu đậm, vẫn ngày ngày chăm sóc, giữ gìn di tích và hương khói miếu thờ bên góc thành tưởng nhớ những chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ Quỷ Môn quan.
Cách đó không xa là đền Quỷ Môn quan thờ các vị tướng trấn giữ qua bao đời nay nằm thâm nghiêm bên dòng sông Thương quanh năm xanh biếc, những chiến lũy đắp đất độc nhất vô nhị, núi Mặt Quỷ, Ngõ Thề trầm mặc như là chứng tích lịch sử oai hùng. Tất cả di tích đều tọa lạc trên đường cái quan xưa (đoạn quốc lộ 1A cũ bị cắt bỏ khi thi công đường mới) do khuất nẻo nên ít người biết tới, ngoại trừ núi Mã Yên - nơi An Viễn Hầu Liễu Thăng bị tiêu diệt.
Đã đến lúc các ngành chức năng Lạng Sơn cần định danh lại di tích cho đúng tính lịch sử, không đặt tên chung chung làm giảm giá trị di tích và khiến du khách hiểu nhầm. Nên dựng bảng hướng dẫn và giới thiệu di tích giúp du khách dễ dàng tìm đến và hiểu biết rõ về ý nghĩa lịch sử của ải Chi Lăng.
Trần Thế Dũng
(Tạp chí Du lịch)