Sự cần thiết phải chú trọng đến vấn đề giới trong ứng phó với các dịch HIV đa phần còn đang trong giai đoạn dịch tập trung ở châu Á hiện ngày càng được công nhận là đúng đắn. Một tài liệu phân tích giới trong chiến lược phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam do LHQ hỗ trợ tiến hành đã chỉ ra những lĩnh vực có thể đáp ứng tốt hơn các nhu cầu khác nhau của phụ nữ và nam giới trong các nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Tài liệu phân tích này cũng nêu rõ, Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan chính đã cam kết xây dựng một ứng phó toàn diện với HIV và ưu tiên vấn đề binh đẳng giới trong các nỗ lực phát triển kinh tế xã hội.
Ông Nguyễn Thanh Long - Cục trưởng Cục Phòng, Chống HIV/AIDS cho biết: Việt Nam cần lồng ghép một cách toàn diện các vấn đề về giới trong ba trụ cột của chiến lược sắp tới gồm dự phòng, điều trị và chăm sóc, và giảm tác động. Cụ thể hơn, các vấn đề giới phải được phân tích riêng biệt khi tiến hành các phân tích và đánh giá phục vụ việc xây dựng chiến lược; các chỉ số về giới cũng cần được xây dựng.
HIV đang ngày càng ảnh hưởng nhiều hơn đến phụ nữ ở Việt Nam. Theo Cục phòng, chống HIV/AIDS, phụ nữ chiếm tới 30% tổng số các ca nhiễm được ghi nhận vào năm 2010 trong khi trước năm 2005 tỷ lệ này chỉ là dưới 15%. Dịch HIV ở Việt Nam vẫn còn tập trung phần lớn trong những nam giới tiêm chích ma túy, nhưng sự thay đổi tỷ lệ nam/nữ trong số người nhiễm mới phát hiện có thể báo hiệu nguy cơ đang gia tăng về sự lây nhiễm HIV từ những nam giới có hành vi nguy cơ cao sang vợ hoặc bạn tình thường xuyên của họ.
Việc thiếu các phân tích đánh giá về tác động khác nhau đối với nam và nữ do cải cách kinh tế và những thay đổi trong xã hội mang lại cũng như nguy cơ lây nhiễm HIV khác nhau của họ; việc thiếu các chỉ số và số liệu được phân tách theo giới và độ tuổi để làm cơ sở xây dựng các can thiệp đúng mục tiêu hơn; và, sự yếu kém trong năng lực tìm hiểu các khía cạnh về giới trong dịch HIV đang cản trở các nỗ lực thực hiện tiếp cận phổ cập tới các dịch vụ dự phòng HIV, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ ở Việt Nam.
Bà Suzette Mitchell, Đại diện Cơ quan phụ nữ LHQ tại Việt Nam phát biểu: “Tôi đã thấy những dấu hiệu tích cực của một chiến lược phòng, chống HIV nhạy cảm về giới ở Việt Nam. Việt Nam có cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc giải quyết các vấn đề về giới, và các tổ chức xã hội dân sự đã tham gia thảo luận rất tích cực, đóng góp nhiều ý tưởng hay cho việc lồng ghép giới trong chiến lược phòng, chống HIV/AIDS. Đây chính là điều mà các tổ chức LHQ cần làm nhiều hơn nữa ở cấp quốc gia, phối hợp hành động vì sức khỏe và sự thịnh vượng của người dân Việt Nam”.