Thành nhà Hồ - Di sản Văn hóa thế giới
Nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long của huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, thành nhà Hồ là kinh đô của triều đại nhà Hồ vào đầu thế kỷ 15 (1400 - 1407). Trải qua hơn 6 thế kỷ thăng trầm của tiến trình lịch sử dân tộc, thành Nhà Hồ vẫn mang giá trị nổi bật toàn cầu với kiến trúc kiểu kinh thành phương Đông, là một công trình quân sự “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử kiến trúc Việt Nam. Năm 2011, thành nhà Hồ đã vinh dự được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.
Thành nhà Hồ có bình đồ kiến trúc gần vuông với hai mặt Nam - Bắc dài hơn 883m, hai mặt Đông - Tây dài hơn 870m, độ cao trung bình 7 - 8m, có nơi cao tới 10m. Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá xanh, đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau với tổng khối lượng đá được sử dụng khoảng 20.000m3 và gần 100.000m3 đất được đào đắp chỉ trong vòng 3 tháng (từ tháng 1 - 3/1397). Các phiến đá được xếp đan xen theo hình múi cam để tránh động đất. Đặc biệt, thành nhà Hồ được xây từ những khối đá tảng cực lớn, nhiều đoạn tường thành có những khối đá tảng dài khoảng 7m với khối lượng khoảng 20 tấn mỗi khối. Cho đến nay, kỹ thuật xây dựng thành nhà Hồ vẫn là một câu hỏi lớn đối với các nhà nghiên cứu thành cổ.
Sầm Sơn biển gọi
Du lịch Sầm Sơn đã có lịch sử hình thành và phát triển trên 100 năm. Ngay từ năm 1904, Toàn quyền Đông Dương Moulie đã cho xây dựng các trung tâm điều dưỡng đầu tiên cho quân đội Pháp tại Sầm Sơn. Năm 1907, người Pháp và triều đình nhà Nguyễn đã cho xây dựng nhiều biệt thự nghỉ dưỡng trên dãy núi Trường Lệ.
Sầm Sơn được thiên nhiên ban tặng dải bờ biển dài hơn 9km từ Cửa Hới đến Vụng Tiên với các bãi biển rộng, bằng phẳng, bãi cát mịn, nước biển ấm, trong xanh, có độ mặn thích hợp và giàu khoáng chất, là điều kiện lý tưởng cho tắm biển, nghỉ dưỡng cũng như các hoạt động vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng. Ngoài các bãi tắm nội thị, Sầm Sơn còn có các bãi lân cận như Quảng Cư, bãi Lãn, Vụng Tiên… với thiên nhiên hoang sơ và thơ mộng.
Ngoài bãi tắm đẹp, thiên nhiên còn phú cho Sầm Sơn nhiều danh lam - thắng cảnh nổi tiếng và mang đậm sắc màu huyền thoại. Đó là dãy núi Trường Lệ chạy dài theo mép nước bốn mùa thông reo; hòn Trống Mái lãng mạn; đền Độc Cước, đền Cô Tiên uy nghi cổ kính; Vọng Hải đài - nơi du khách có thể nhìn ngắm cả một vùng trời nước mênh mông. Đền Độc Cước và đền Cô Tiên đều là những kiến trúc cổ được xây dựng từ cuối đời nhà Lê (thế kỷ17), là không gian tâm linh quan trọng của cư dân Sầm Sơn và các vùng lân cận.
Bên cạnh đó là tài nguyên du lịch nhân văn đậm đặc, với nhiều di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội, ngành nghề truyền thống đặc sắc và các di sản văn hóa phi vật thể khác. Đây là kho báu vô giá hàng trăm năm đã được đưa vào phục vụ du lịch, đón du khách bốn phương về tham quan và trải nghiệm ở vùng đất địa linh nhân kiệt này.
Là vùng biển được thiên nhiên ưu đãi nên Sầm Sơn có nguồn hải sản phong phú và ngon nổi tiếng. Du khách có thể thưởng thức hải sản trong các nhà hàng cao cấp hay tại các nhà hàng ven biển lộng gió, những khu ẩm thực gần gũi với thiên nhiên.
Thăm di tích Lam Kinh
Khu di tích lịch sử Lam Kinh thuộc địa phận hai huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc, cách TP. Thanh Hóa khoảng 50km về hướng Tây Bắc. Đây là quê hương và cũng là nơi an nghỉ của vị anh hùng Lê Lợi cùng các vị vua, vương hậu thời Hậu Lê. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử dân tộc, khu di tích Lam Kinh được tôn tạo, tu bổ và trở thành di tích quốc gia đặc biệt, đang được tỉnh Thanh Hóa quy hoạch là một trong 4 điểm nhấn du lịch của tỉnh để thu hút du khách trong Năm Du lịch Quốc gia 2015 - Thanh Hóa.
Những đấu tích còn lại của khu hoàng thành, cung điện và Thái miếu, cho thấy chính điện Lam Kinh được bố trí xây dựng theo trục Nam Bắc, trên một khoảng đất đồi gò có hình dáng giống chữ Vương trong chữ Hán. Điểm nổi bật tại Khu di tích Lam Kinh là bia làm bằng đá trầm tích biển nguyên khối cao 2,97m; rộng 1,94m; dày 0,27m; đặt trên lưng một con rùa lớn cũng được tạc từ đá trầm tích biển nguyên khối có chiều dài 3,46m; rộng 1,9m; cao 0,94m kể cả đế. Nội dung văn bia cô đọng phản ánh đầy đủ thân thế, sự nghiệp công lao của vua Lê Thái Tổ.
Trong khuôn viên rộng lớn của khu di tích có rất nhiều loài cây quý hiếm hàng trăm năm tuổi. Điểm khiến nhiều du khách bất ngờ khi đến khu di tích Lam Kinh là những tích truyện về cây ổi cười ngay bên mộ vua Lê Thái Tổ, cây lim vài trăm năm tuổi hiến thân cho trùng tu chính điện, hay chuyện cây thị sống trong lòng cây đa... đến nay vẫn là điều bí ẩn chưa có lời giải đáp.
Đến với Thanh Hóa, về với Lam Kinh, vùng đất của địa linh nhân kiệt, để được sống trong khí vị của không gian lịch sử và nghe những tích xưa, tận mắt chứng kiến chuyện lạ, lòng người như ngược về quá khứ, tưởng nhớ đến một thời dội vang của Hoàng triều Lê tộc hiển danh đã qua.
Suối cá thần Cẩm Lương
Suối cá thần Cẩm Lương nằm bên chân núi Trường Sinh ở làng Ngọc, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây được đông đảo du khách biết đến với đàn cá có đến hàng nghìn con.
Mỗi khi bơi, thân cá lấp lánh ánh bạc trông rất đẹp mắt. Đến đây vào mùa nước cạn, du khách có thể đưa tay xuống nước vuốt ve những con cá đang bơi dưới lòng suối trong vắt. Giữa không gian thanh bình với những vòm cây xanh rủ bóng xuống đoạn suối dài khoảng 30m, rộng 3 - 5m, du khách thỏa thích chiêm ngưỡng hàng nghìn chú cá tung tăng bơi lội. Mỗi con cá có thể nặng từ 2 - 8kg, đặc biệt có cá chúa nặng tới 30kg. Các loài cá ở đây có hình thù rất lạ và nhiều màu sắc như đỏ, xanh, hồng... Người dân và du khách tin rằng, cá Cẩm Lương rất linh thiêng, sự sung túc của đàn cá mang đến sự bình yên no ấm cho bà con dân tộc Mường nên không ai đánh bắt, chỉ ngắm nhìn và cầu may. Mỗi năm suối cá Cẩm Lương thu hút khoảng 500.000 lượt du khách.
Đến suối cá Cẩm Lương, du khách còn có cơ hội ghé thăm đền Ngọc thờ tứ phủ Long Vương, dãy núi Trường Sinh có động Cây Đăng với nhiều thạch nhũ lấp lánh nằm ngay gần đó. Đặc biệt, nơi đây còn có cánh rừng nguyên sinh với các loài động, thực vật đặc trưng của vùng nhiệt đới, thuộc dãy núi đá vôi Pù Luông – Cúc Phương. Hiện nay, du khách có thể qua lại dễ dàng vì đã có đường cầu treo qua sông Mã.
Đến với những địa chỉ du lịch nổi tiếng của xứ Thanh, du khách không chỉ được thưởng những bức tranh thiên nhiên tươi sắc hay tìm hiểu các di sản văn hóa, lịch sử giá trị mà còn có dịp thưởng thức nhiều món đặc sản hấp dẫn như chè lam Phủ Quảng, bánh mật, kẹo lạc ở Vĩnh Lộc; bánh gai Tứ Trụ, nem thính ở Lam kinh, cơm lam, bánh răng bừa ở Cẩm Thủy... Xứ Thanh còn nhiều điểm đến hấp dẫn khác đang chờ đợi du khách tìm đến và khám phá!
PV
(Tạp chí Du lịch)