
Trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có công văn về việc mở cửa hoạt động trở lại các di tích danh thắng, chính thức đón khách tham quan từ ngày 8/3 và triển khai công tác phòng dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố. Một loạt các di tích trọng điểm trên địa bàn TP. Hà Nội như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, đền Ngọc Sơn, phủ Tây Hồ… đều đã mở cửa trở lại nhưng khá vắng vẻ, thưa thớt. Tuy nhiên, ở phía ngoài khu vực Hoàng thành Thăng Long nơi có không gian đẹp cùng với sắc màu rực rỡ của hoa ban, lại đúng vào dịp kỷ niệm ngày quốc tế phụ nữ 8/3 nên có đông chị em phụ nữ, rực rỡ trong tà áo dài đến chụp ảnh, ghi lại khoảnh khắc đẹp bên hoa ban trước lăng Bác và vào chụp ảnh trong không gian cổ kính của Hoàng thành Thăng Long. Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: Sau khi nhận được công văn của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, chiều ngày 8/3, Văn Miếu - Quốc Tử Giám chính thức mở cửa bán vé, chào đón du khách. Theo Giám đốc Lê Xuân Kiêu: Trước đó, trong thời gian đóng cửa vì dịch COVID-19 tái bùng phát, Trung tâm đã chuẩn bị công tác phòng dịch tốt nhất để chuẩn bị mở cửa đón khách khi dịch được khống chế. Chúng tôi đã vệ sinh khử khuẩn toàn bộ di tích, chuẩn bị khẩu trang, đo thân nhiệt, nước sát khuẩn. Đồng thời, khi mở cửa đón khách sẽ tiếp tục triển khai hệ thống pano, phát thanh, tuyên truyền, nhắc nhở du khách về phòng, chống dịch COVID-19.
Tại các di tích trong ngày đầu mở cửa dù vắng khách nhưng đều đẩy mạnh và tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ngay từ cổng vào của các di tích đều đặt pano, các cảnh báo về phòng, chống dịch COVID-19 và trang bị đầy đủ dung dịch sát khuẩn, thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế, nhắc nhở khách sát khuẩn và đeo khẩu trang.
Tuấn Hải