Trao bằng xếp hạng di tích cấp thành phố Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ - Cẩm Lệ, Đà Nẵng

Di tích Chăm Phong Lệ tại phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ được phát lộ và thực hiện khai quật khảo cổ lần đầu trên diện tích 500m2 theo Quyết định số 1666/QĐ-BVHTTDL ngày 04/5/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Kết quả khảo cổ cho thấy, tại đây là di tích của ít nhất 3 ngôi tháp Chăm xây dựng vào khoảng thế kỷ 11, đến nay có niên đại khoảng 1.000 năm. Đây là di tích tiêu biểu trong các di tích Chăm tại Đà Nẵng có điều kiện khảo sát đầy đủ nhất, đồng thời là di tích duy nhất cho đến nay trong toàn bộ hệ thống đền tháp Chăm có điều kiện để nghiên cứu và giới thiệu về phần nền móng kiến trúc. Trong đó, có một ngôi tháp còn lại phần cấu trúc lòng tháp dưới mặt đất (gọi là hố thiêng) lần đầu tiên được khám phá, nghiên cứu. Ngoài ra, trong khuôn viên khu di tích còn có hạng mục Miếu Bà là di tích thời Tự Đức (1862) có giá trị về di sản kiến trúc và tín ngưỡng dân gian.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam khẳng định, Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ có những giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc Chăm; những di tích, di vật tìm được phản ánh đời sống xã hội, tinh thần, kinh tế của người Chămpa tại vùng đất Amaravati từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 12. Với những giá trị đó, tại Quyết định số 4568/QĐ-UBND ngày 27/11/2020, UBND thành phố Đà Nẵng đã xếp hạng Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ là di tích cấp thành phố.
Thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam đề nghị Đảng bộ, chính quyền, nhân dân phường Hòa Thọ Đông, UBND quận Cẩm Lệ, Sở Văn hóa và Thể thao chung tay bảo tồn, phát huy giá trị Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ xứng tầm với vị thế của một di sản cấp thành phố; đồng thời, cùng quản lý khai thác thật khoa học, hiệu quả kho tàng di sản, coi đó là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm lớn lao đối với sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Đặc biệt, các đơn vị liên quan cần tham mưu UBND thành phố xây dựng Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng giai đoạn 2 và bảo quản, tu bổ, phục hồi Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ trình UBND thành phố phê duyệt làm cơ sở cho việc tu bổ, tôn tạo và phát huy bền vững giá trị di sản trong thời gian tới. Đồng thời, kiện toàn Ban Quản lý di tích; tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng để cùng chung tay bảo vệ và phát huy bền vững các giá trị của di tích; kết hợp chặt chẽ với ngành Du lịch trong việc xây dựng các chương trình, các tour du lịch đến với di tích; tiếp tục nghiên cứu, điền dã khảo cổ để làm sáng tỏ hơn nữa các tầng ý nghĩa của di tích này...
Diệu Vũ