Ca Huế được phát sinh vào khoảng thế kỷ thứ 17, trở thành thú chơi tao nhã của các hoàng thân quốc thích, gia đình danh gia vọng tộc trong suốt thời gian dài khi Huế là thủ phủ xứ Đàng Trong, sau đó là kinh đô của cả nước dưới triều Nguyễn, đạt đến đỉnh cao từ thời Minh Mạng (1820 -1840) đến thời Tự Đức (1848 -1883).
Hội thảo đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa. Các tham luận tại hội thảo đã tập trung đánh giá, khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật ca Huế. Qua hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý, các nghệ nhân đã đề xuất những giải pháp cụ thể, thiết thực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của ca Huế trong đời sống đương đại, góp phần xây dựng luận cứ để đề nghị lập hồ sơ Di sản ca Huế đệ trình UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Dung nhấn mạnh: Việc tổ chức Hội thảo “Ca Huế - Giá trị, định hướng bảo tồn và phát huy” nhằm khẳng định giá trị di sản ca Huế trong đời sống đương đại. Đây cũng là cơ hội hết sức thuận lợi để tỉnh Thừa Thiên - Huế giới thiệu những loại hình âm nhạc truyền thống của mình, những thành quả của quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản để xây dựng Thừa Thiên - Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của cả nước, thành phố văn hóa ASEAN, thành phố festival đặc trưng của Việt Nam.
Cùng ngày, Lễ đón nhận bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được tổ chức trang trọng tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Minh Hạnh