Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc năm 2015 gồm có nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa như: lễ dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ; hội chợ Thương mại - Du lịch tỉnh Bắc Kạn; triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa và du lịch, ẩm thực đặc trưng của 10 tỉnh vùng Đông Bắc; liên hoan nghệ thuật quần chúng, trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc vùng Đông Bắc; các hoạt động thi đấu thể dục thể thao…
Lễ khai mạc ngày hội diễn ra vào tối 10/9/2015 tại Nhà văn hóa tỉnh Bắc Kạn. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái đã chính thức tuyên bố khai mạc và đánh trống khai hội. Lễ khai mạc thu hút đông đảo khách mời và nhân dân với nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của 10 tỉnh Bắc Kạn, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh và Vĩnh Phúc. Các tiết mục biểu diễn lấy cảm hứng từ kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian, tái hiện những lễ hội truyền thống, nếp sinh hoạt cộng đồng, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc, tạo nên một không gian lễ hội rực rỡ sắc màu và mang đậm bản sắc các dân tộc.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lý Thái Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn khẳng định: Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ IX sẽ mở ra nhiều cơ hội mới để Bắc Kạn và các tỉnh trong vùng giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là khai thác các di sản văn hóa đặc trưng của các dân tộc vùng Đông Bắc; đây cũng là dịp để các tỉnh giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, từ đó có biện pháp cụ thể để đẩy mạnh mối liên kết hợp tác, khai thác thế mạnh của từng địa phương, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của mỗi tỉnh nói riêng và cả vùng Đông Bắc nói chung.
Trong khuôn khổ ngày hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức Tọa đàm Liên kết phát triển du lịch vùng Đông Bắc năm 2015.
Thời gian qua, du lịch các địa phương trong vùng Đông Bắc phát triển với tốc độ nhanh về mọi mặt và đã đạt được những thành tựu đáng kể; đang từng bước trở thành một trong những ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Trong vùng đã hình thành những trung tâm du lịch và địa bàn du lịch trọng điểm như Quảng Ninh, Phú Thọ, Lạng Sơn… Các sản phẩm du lịch gắn với loại hình du lịch sinh thái, nghiên cứu địa chất, tham quan cảnh quan, về nguồn, trải nghiệm văn hóa bản địa… đang dần khẳng định được giá trị và thương hiệu riêng. Tuy nhiên, du lịch các địa phương vẫn chưa có bước đột phá, sản phẩm còn nghèo nàn, chưa có các tuyến du lịch hoàn chỉnh mang tính đặc sắc, độc đáo… Để góp phần thúc đẩy phát triển du lịch vùng Đông Bắc, cần đẩy mạnh việc liên kết du lịch với các hình thức đa dạng: giữa các địa phương trong vùng; giữa một vài địa phương; giữa tiểu vùng Đông Bắc với Tây Bắc, với Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng... Đó cũng chính là những vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận tại tọa đàm.
Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, trong thời gian tới, các tỉnh vùng Đông Bắc cần đề xuất Lãnh đạo Trung ương tăng cường đầu tư hệ thống hạ tầng; có cơ chế, chính sách ưu tiên đối với du lịch vùng Đông Bắc còn nhiều khó khăn; đẩy mạnh liên kết quảng bá, xúc tiến du lịch, đào tạo nguồn nhân lực; bên cạnh đó cần có “nhạc trưởng” giữ vai trò điều phối hoạt động du lịch toàn vùng…
Lễ bế mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ IX diễn ra vào tối 12/9/2015.
Thảo Phương